Các nước đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi
Cộng hòa Dominica, Honduras ngày 15/2 bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là những quốc gia mới nhất tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi với mong muốn đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đảm bảo quyền được giáo dục của các em.
Theo thông báo của Bộ Y tế Cộng hòa Dominica, chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành tại 388 trường học trên toàn quốc với mục tiêu tiêm chủng cho 1,2 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-11 trong vòng 6 tháng.
Tương tự, Honduras cũng đang tiến hành tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Chiến dịch bắt đầu tại thủ đô Tegucigalpa. Vaccine được sử dụng là của hãng Pfizer.
Như vậy, cho đến nay, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Canada, Brazil, các nước EU, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Israel…
Anh Lee Ser Wor, một phụ huynh người Malaysia đưa con đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc tiêm chủng cho trẻ em là một động thái tuyệt vời. Bởi tiêm chủng sẽ giúp các con chống lại được Covid-19 và việc đưa con em chúng ta đi tiêm chủng cũng giúp bảo vệ được công chúng khỏi dịch bệnh. Đây là một điều tốt”.
Hiện vaccine được sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là của hãng dược phẩm Pfizer với liều 10 microgam, bằng 1/3 so với người lớn. Liều thứ hai tiêm ít nhất 8 tuần sau liều đầu tiên.
Theo ghi nhận tại các nước tiến hành tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, có rất ít báo cáo về tình trạng xảy ra phản ứng phụ. Một số trường hợp trẻ xuất hiện tình trạng phát ban, chóng mặt, sốt và khó thở nhưng không nghiêm trọng. Nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm chủng thấp hơn so với mắc Covid-19. Vaccine cũng an toàn với trẻ bị dị ứng thực phẩm. Trẻ có tiền sử dị ứng các loại thức ăn, thuốc uống, nọc côn trùng hoặc dị ứng thời tiết vẫn có thể tiêm chủng mà không đòi hỏi bất cứ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.
Thái độ của các bậc cha mẹ đối với vaccine cũng tích cực hơn trong những tháng qua. Theo khảo sát của Quỹ gia đình Kaiser, khoảng 1/3 số phụ huynh tại Mỹ cho biết con cái họ đã được tiêm chủng, gấp đôi so với tháng 11/2021. Thay đổi lớn nhất đến từ những người từng e ngại. Nhóm có thái độ chờ đợi giảm từ 32% vào tháng 11/2021 xuống còn 19% trong tháng 2. 13% phụ huynh nói họ sẽ đưa con đi tiêm vaccine "ngay lập tức".
Một cuộc khảo sát do Đại học Chulalongkorn, Thái Lan vừa công bố cho thấy, đa số cha mẹ có con trong độ tuổi từ 5-11 đều mong muốn con mình được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, đồng thời họ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với loại vaccine Pfizer-được sản xuất bằng công nghệ mRNA.
Chị Van Anne, người Pháp, mẹ của một bé gái 10 tuổi cho biết: “Tôi tin tưởng vào khoa học y tế và từ những gì chúng ta biết, không có cơ sở gì để chúng ta không tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho con mình. Vì vậy, là những bậc cha mẹ có trách nhiệm, chúng ta không nên chống lại việc tiêm chủng và cần đưa các con đi tiêm”.
Thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho thấy dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học.
Các nghiên cứu của UNESCO và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chỉ rõ trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng về bảo vệ, dinh dưỡng, sức khỏe, nhất là ở các nước chậm phát triển, trường học là nơi cung cấp bữa ăn và dịch vụ y tế thiết yếu cho trẻ em. Ngoài tình trạng hổng kiến thức, trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ./.