Các 'ông lớn' thế giới chi 'khủng' cho truyền thông để 'tẩy xanh' ngành dầu khí

Theo một báo cáo mới đây, các 'ông lớn dầu khí' đã chi ra một lượng tiền quảng cáo 'khủng' cho các phương tiện truyền thông được cho là uy tín nhất Mỹ và châu Âu nhằm 'tẩy xanh' các hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo trên được đưa ra bởi hai cơ quan điều tra khí hậu Drilled và DeSmog, trong đó phân tích 7 thương hiệu truyền thông được cho là đáng tin cậy nhất ở Mỹ và châu Âu gồm Bloomberg, The Economist, Financial Times, New York Times, Politico, Reuters và Washington Post.

 “Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch lợi dụng sự chững lại của mô hình kinh doanh truyền thông để thu lợi cho mình”. Ảnh minh họa: GI

“Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch lợi dụng sự chững lại của mô hình kinh doanh truyền thông để thu lợi cho mình”. Ảnh minh họa: GI

Theo đó, mặc dù tất cả các tờ báo trên đều có đội biên tập riêng luôn tận tâm, nghiên cứu kĩ lưỡng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, song tất cả hãng tin này vẫn nhận tiền quảng cáo từ các ông lớn dầu khí, giúp các doanh nghiệp khai thác dầu khí này khoác vỏ bọc “thân thiện với môi trường”.

Hoạt động "tẩy xanh" này làm lu mờ ranh giới giữa quảng cáo trả phí và tin tức khách quan. Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Boston (Mỹ) cho thấy cứ 10 người thì chưa đến 1 người nhận ra được nội dung quảng cáo trong một bài báo. Điều này dễ gây nhầm lẫn và làm suy yếu thêm niềm tin vốn đã lung lay vào báo chí, đồng thời làm trì hoãn các hành động khẩn cấp chống lại biến đổi khí hậu.

Việc đưa quảng cáo vào các tin bài báo chí bắt nguồn từ những năm 1970 bởi phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng lúc bấy giờ của hãng dầu khí Mobil Oil là Herbert Schmertz. Ông là người phụ trách các bài báo trả phí hàng tuần trên tờ New York Times. Các bài báo quảng cáo này không chỉ giới thiệu những sản phẩm mới, mà còn thường nhấn mạnh sự nghi ngờ về mặt khoa học khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Mặc dù báo cáo chỉ tập trung vào 7 “thương hiệu đáng tin cậy nhất” nhưng hình thức "tẩy xanh" cũng xuất hiện trên các loại hình truyền thông khác. Ví dụ: công ty khởi nghiệp truyền thông Semafor của Mỹ đã hợp tác với tập đoàn năng lượng Chevron để tài trợ cho bản tin khí hậu ra mắt vào tháng 10/2022. Các công ty nhiên liệu hóa thạch cũng đã chi trả cho trang tin Axios để đăng các bài quảng cáo kể từ năm 2017.

Theo Yahoo News, các doanh nghiệp có thể phải chi hơn 300.000 USD một tuần để đăng quảng cáo theo hình thức bài báo của các trang tin như POLITICO Playbook và Axios.

Theo báo cáo, doanh nghiệp chi nhiều nhất cho hoạt động "tẩy xanh" cho đến nay là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco với 13 triệu USD cho New York Times, 3 triệu USD cho Reuters, 2,13 triệu USD cho The Economist và 1,55 triệu USD cho Bloomberg từ tháng 10/2020 đến tháng 10 năm nay.

Được ra mắt vào năm 2014, chương trình Brand Studio của New York Times đã tạo quảng cáo cho các doanh nghiệp Chevron, ExxonMobil và Shell. Họ cũng tạo một podcast cho công ty dầu khí BP (Vương quốc Anh) có tên Energy Trilemma, trong đó tập trung vào vai trò của Big Oil trong quá trình khử carbon.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh Washington Post đã làm việc với một danh sách các nhà quảng cáo nhiên liệu hóa thạch thậm chí còn lớn hơn, chẳng hạn như tập đoàn dầu khí ExxonMobil đã tài trợ hơn 100 bản tin trên Washington Post vào năm 2022.

Báo cáo cũng cho biết rằng hãng tin Reuters đang cung cấp nhiều lựa chọn nhất cho các nhà quảng cáo nhiên liệu hóa thạch và cũng đang “làm mờ ranh giới nhiều nhất giữa quảng cáo và tin tức”.

Trong khi đó, Bloomberg, Financial Times và The Economist dường như ít quan tâm đến việc khuếch đại các thông điệp của ngành nhiên liệu hóa thạch. Nhưng họ vẫn nhận hàng triệu USD cho nội dung báo chí và sự kiện trực tiếp.

Financial Times còn cung cấp cho tập đoàn dầu khí Saudi Aramco và Equinor cả một chuyên trang đăng các bài báo và video trả phí, mang lại cho hãng tin này doanh thu ước tính 7,6 triệu USD trong ba năm.

Hoài Phương (theo Journalism)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-ong-lon-the-gioi-chi-khung-cho-truyen-thong-de-tay-xanh-nganh-dau-khi-post275616.html