Các phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn
Báo Công Thương điểm lại nhiều câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ấn tượng, sâu sắc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
"Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ" - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay một số tuyến cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80 km/h trong khi Quốc lộ 1 dù lưu lượng xe rất lớn, phần lớn các nút giao là cùng mức nhưng có đoạn cho khai thác 90km/h.
Như vậy có hợp lý không, và đâu là nguyên nhân?
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy tối đa 100 km/giờ nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120 km/giờ. Chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì tốc độ tối đa từ 100 có thể lên 120km/giờ.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến hiện đang quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Các dải tốc độ khác thì chúng ta vẫn phải chấp hành, tuân thủ các quy chuẩn.
Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến quý I năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa các tuyến từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ.
Nói rõ thêm về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề này. Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ Giao thông Vận tải cần suy nghĩ thêm.
Ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Cao Bồ đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Diễn Châu, theo quan sát và nhiều người cho rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì tốc độ chỉ có 80 km/giờ và không có làn đường giật cấp. Chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp sẽ tắc nghẽn hết tất cả.
"Việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là rất khó" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Bà con cử tri nhắn tin cho ông đặt vấn đề về tình hình các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng hiện đang được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như SCB.
"Xin Thống đốc cho biết liệu có khả năng sắp tới xảy ra những vụ giống như SCB thời gian qua nữa hay không, để cho khách hàng có tiền gửi họ yên tâm. Hiện 4 - 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là "hết sức nguy hiểm", đại biểu Hòa nói.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự rất khó. "Trong điều kiện bình thường đã khó rồi, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động của Covid-19, tác động kinh tế thế giới thời gian qua, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn".
Nhiều khó khăn được Thống đốc Ngân hàng chỉ ra. Bà nhấn mạnh, đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là đề án khó, chưa có tiền lệ, trong khi cán bộ tham gia chưa có kinh nghiệm.
Cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia đề án cũng khó khăn. Ngoài ra, về nguồn lực để thực hiện, bà Hồng cho biết cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất.
"Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền, có chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch này trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng đề án", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
"Lãng phí của đầu tư công không phải nằm ở định mức mà nằm ở quá trình triển khai" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Trả lời vấn đề chậm thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân.
Như doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất "vàng" nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp; phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá… Các bộ, ngành, doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn chứng cụ thể: "Qua nghiên cứu, định mức do Bộ Xây dựng ban hành đối với công trình giao thông, công trình kiến trúc chúng tôi không thấy sự lãng phí. Thậm chí nhiều định mức còn thấp thua so với thực tế chi phí. Chẳng hạn chi phí nhân công cao nhất của định mức là 300.000 đồng/người/ngày. Nhưng trên thực tế người ta có thể phải chi đến 500.000 đồng/người/ngày. Do đó, lãng phí của đầu tư công không phải nằm ở định mức mà nằm ở quá trình triển khai”, Bộ trưởng Phớc dẫn chứng.
"Cái cần làm lớn ngay thì lại phân kỳ đầu tư" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Cái cần làm lớn ngay thì lại phân kỳ đầu tư, dẫn tới sau này phải mở rộng, điều chỉnh, gây tốn kém. Như các dự án giao thông, nếu đã xác định làm cao tốc thì giải phóng mặt bằng xong một lần, sau đó mới phân kỳ đầu tư. Sau này, có điều kiện thì hoàn chỉnh, thảm thêm các làn đường mới, vừa nhanh vừa đỡ tốn kém”.
Ông cũng nhắc đến công tác chuẩn bị đầu tư, nếu làm tốt thì nhanh và không tốn chi phí. Công tác phác thảo thiết kế, công tác thực hiện cũng vậy. Nhiều dự án làm không tốt dẫn đến kéo dài, gây lãng phí và đó là lý do vì sao không tiết kiệm được trong đầu tư công.
"Sẽ phối hợp điều tra, giám sát cácvụ việc khai thác khoáng sản trái phép xảy ra có liên quan đến cán bộ địa phương bảo vệ”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với địa phương tập trung cấp phép, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác khoáng sản. Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo việc này, nhưng vai trò rất lớn nằm ở phía các địa phương. Sau khi các vụ án, vụ việc khai thác khoáng sản trái phép xảy ra có liên quan đến “cán bộ địa phương bảo vệ”, tới đây Bộ TN&MT sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát việc này và đề nghị xử lý nghiêm vi phạm.