Các phương pháp điều trị mất khứu giác

Mất khứu giác là tình trạng mất đi cảm nhận mùi, mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng ngửi mùi. Mất khứu giác đa số liên quan đến vùng mũi xoang hoặc các dây thần kinh nhỏ nằm trong xoang sàng của mũi.

1. Biện pháp điều trị mất khứu giác

Mất khứu giác do nhiều nguyên nhân gây ra. Do vậy, nguyên tắc trong điều trị mất khứu giác là tiến hành điều trị căn nguyên gây mất khứu giác, cụ thể điều trị các căn nguyên như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, những bất thường trong cấu trúc khoang mũi.

Thông thường, các biện pháp thường dùng trong điều trị mất khứu giác, bao gồm:

NỘI DUNG

1. Biện pháp điều trị mất khứu giác

2. Các thuốc điều trị mất khứu giác

3. Các biện pháp khác điều trị mất khứu giác

4. Cách bảo vệ khứu giác

Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, bội nhiễm.
Sử dụng thuốc chống dị ứng chữa viêm mũi xoang dị ứng, kích ứng. Có thể sử dụng thêm nhóm thuốc steroid (uống hoặc xịt).
Phẫu thuật cắt polyp mũi, chỉnh sửa lệch vách ngăn mũi, chỉnh sửa bất thường cấu trúc trong khoang mũi, hoặc can thiệp trong viêm xoang nặng,…
Có thể bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất liên quan tới khả năng ngửi như vitamin A, kẽm,…
Trường hợp do tổn thương thần kinh khứu giác, thì tùy theo mức độ tổn thương và nguyên nhân mà bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp. Đồng thời thực hiện việc tránh xa các tác nhân có thể gây hại thần kinh khứu giác như các khí, hơi hóa học độc hại, thuốc trừ sâu,…

2. Các thuốc điều trị mất khứu giác

2.1. Kháng sinh chống nhiễm khuẩn

Việc chọn lựa kháng sinh, liều dùng, đường dùng và thời gian sử dụng phù hợp với mỗi bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng, điều này quyết định sự thành công trong điều trị bệnh. Thông thường, sau khi xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phù hợp, có độ nhạy cao đối với chủng vi khuẩn gây bệnh đó.

Ví dụ, kháng sinh penicilline G là chọn lựa tốt ban đầu, điều trị đối với cầu khuẩn gram dương và gram âm. Kháng sinh amoxicilline được dùng để bao vây vi khuẩn Haemophilus influenzae. Amoxicilline + potassium clavulanate (Augmentin) thích hợp đối với đại đa số các tác nhân gây bệnh viêm xoang cấp.

Trước khi sử dụng kháng sinh, cần lưu ý đến tiền sử dị ứng với thuốc. Trường hợp sử dụng đúng thuốc, bệnh sẽ cải thiện trong khoảng 2-3 ngày và thuyên giảm dần (giảm sốt, giảm ho…), tuy nhiên vẫn cần tiếp tục sử dụng kháng sinh đủ liều theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian dùng kháng sinh trong điều trị viêm xoang trung bình từ 10 ngày tới 14 ngày.

2.2. Thuốc chống dị ứng

Histamin là một loại chất hóa học do cơ thể sản sinh ra, dẫn đến phản ứng dị ứng. Khi bị viêm mũi dị ứng, histamin sẽ được giải phóng gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, ngứa mắt, hắt hơi, ngứa mũi,...

Thuốc kháng histamin thế hệ 1 (H1) thường được chỉ định trong điều trị viêm mũi dị ứng như promethazin, chlorpheniramine, diphenhydramin,… được đánh giá là hiệu quả chống dị ứng cao, tuy nhiên các thuốc này lại có nhược điểm là có thể gây khô mắt, buồn ngủ, nhìn mờ, khô miệng, táo bón,... Thuốc kháng histamin thế hệ 2 khắc phục những tác dụng phụ nói trên, bao gồm các thuốc như loratadin, astemizol, fexofenadine, cetirizin,... Do vậy, các thuốc kháng histamin thế hệ 2 hiện nay được dùng rộng rãi hơn so với thuốc thế hệ 1.

2.3. Thuốc steroid

Sử dụng steroid đường uống ngắn hạn: có thể giúp cải thiện các triệu chứng của mất khứu giác. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cần được sử dụng thận trọng và phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc do nguy cơ tác dụng phụ của steroid.

Thuốc steroid dạng xịt: có thể sử dụng trong trường hợp viêm mũi dị ứng, giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa, chảy nước mũi. Nhưng cũng giống như thuốc steroid đường uống, không nên lạm dụng thuốc xịt steroid. Các loại thuốc thường dùng bao gồm: Beclomethasone, betamethasone, ciclesonide, fluticasone furoate, mometasone. Các tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm nhức đầu, đau họng, khô mũi, chảy máu.

Điều đặc biệt cần lưu ý là người bệnh không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định và tư vấn của thầy thuốc. Và trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có biểu hiện bất thường xuất hiện thì cần dừng thuốc và xin ý kiến tư vấn của thầy thuốc.

Thuốc xịt trực tiếp có hiệu quả và thời gian tác dụng nhanh hơn khi dùng thuốc viên.

Thuốc xịt trực tiếp có hiệu quả và thời gian tác dụng nhanh hơn khi dùng thuốc viên.

3. Các biện pháp khác điều trị mất khứu giác

3.1. Bổ sung kẽm và vitamin A

Kẽm được biết đến có tác dụng tham gia quá trình hình thành nên hơn 300 enzyme trong cơ thể, đồng thời còn tham gia quá trình chuyển hóa trong cơ thể, giúp trẻ phát triển cao lớn. Ngoài ra, kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Do đó, việc cung cấp đủ kẽm cho cơ thể đóng vai trò rất quan trọng, giúp phòng chống bệnh tật liên quan tới thiếu kẽm và tăng cường sức khỏe.

Bổ sung kẽm từ các nguồn thực phẩm tự nhiên như hải sản, thịt đỏ, hạt và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các sản phẩm từ sữa là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu kẽm hàng ngày. Đối với những người cần bổ sung thêm kẽm, các viên uống bổ sung và thực phẩm chế biến sẵn cũng là lựa chọn hữu hiệu, nhưng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Vitamin A đã chuyển hóa chứa nhiều trong các loại thực phẩm như gia cầm, cá, thịt, các chế phẩm từ sữa. Tiền vitamin A (beta-carotene) có rất nhiều trong rau quả xanh và vàng đặc biệt là ở quả gấc, cà rốt, các loại rong, tảo, dầu cá, sữa, trứng… Beta-carotene được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A rất cần thiết cho cơ thể tăng trưởng và phát triển.

3.2. Phẫu thuật cắt bỏ polyp, chỉnh dị hình vách ngăn mũi

Khi điều trị nội khoa thất bại và xác định có bất thường trong mũi, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi mũi xoang để cắt polyp và chỉnh hình vách ngăn để khai thông tắc nghẽn đường mũi.

Phẫu thuật loại bỏ polyp mũi có thể khai thông tắc nghẹt, cải thiện tình trạng mất khứu giác.

Phẫu thuật loại bỏ polyp mũi có thể khai thông tắc nghẹt, cải thiện tình trạng mất khứu giác.

4. Cách bảo vệ khứu giác

Mặc dù các tình trạng rối loạn khứu giác không gây giảm sút nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ví dụ như trường hợp mất khứu giác có thể khiến cho người bệnh không thể cảm nhận được mùi vị có thể dẫn đến các hậu quả nguy hiểm như ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm độc, hít phải khói hơi độc... Do vậy, việc bảo vệ khứu giác là rất quan trọng đối với con người.

Biện pháp tốt nhất để bảo vệ khứu giác là phòng và điều trị kịp thời các nguyên nhân có thể gây mất khứu giác, cụ thể:

Phòng và điều trị triệt để các bệnh như cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm xoang,...
Đeo khẩu trang bảo vệ tránh khói, bụi, không khí lạnh, môi trường ô nhiễm,…
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2-3 lần hàng ngày hoặc mỗi khi đi ra ngoài về nhà để làm sạch niêm mạc mũi nhằm bảo vệ niêm mạc mũi.
Luyện tập khứu giác như ngửi mùi các loại hoa, thức ăn cho quen,... để phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường của khứu giác và tiến hành điều trị sớm.

BS. Nhật Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-mat-khuu-giac-169240902185537557.htm