Các tập đoàn cồng kềnh đang kìm hãm tiềm năng kinh tế của ASEAN
Tính cồng kềnh và phản ứng chậm chạp của các tập đoàn lớn, hoạt động dàn trải trên nhiều ngành, đang ngăn cản nền kinh tế ASEAN tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng.
Qua thời kỳ đỉnh cao
Rất ít khu vực trên toàn cầu có triển vọng tăng trưởng kinh tế rõ ràng hơn ASEAN. Các công ty đa quốc gia đang chạy đua thiết lập chuỗi cung ứng trong khu vực để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Indonesia, Philippines và Việt Nam dự kiến nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong phần còn lại của thập niên này. Malaysia có thể sẽ sớm gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập cao trên thế giới. Tầm quan trọng của Singapore với tư cách một trung tâm tài chính châu Á và toàn cầu đang tăng lên khi nhiều chuyên gia nước ngoài rời Hồng Kông.
Nhưng khi xét đến các doanh nghiệp trong khu vực, bức tranh ở Đông Nam Á u ám hơn. Tổng giá trị thị trường của các công ty đại chúng đáng để đầu tư ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan chỉ khoảng 900 tỉ đô la Mỹ. 5 nền kinh tế này có tổng sản phẩm quốc nội tương đương với Ấn Độ. Nhưng giá trị thị trường của những cổ phiếu có thể đầu tư ở những nền kinh tế này chỉ bằng phân nửa so với các công ty có thể đầu tư ở Ấn Độ.
Mỗi công ty nằm trong nhóm công ty công nghệ lớn ở Mỹ, hay gọi là “Bộ bảy diệu kỳ” (Magnificent Seven) gồm Aphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, đều có giá trị lớn hơn toàn bộ thị trường cổ phiếu đáng đầu tư ở Đông Nam Á.
Trong danh sách 50 công ty hàng đầu ở Đông Nam Á tính theo doanh thu, chỉ có một công ty là Sea (Singapore) hoạt động trong lĩnh vực game và thương mại điện tử, được thành lập trong thế kỷ này. Có 15 doanh nghiệp nhà nước và 14 công ty con của họ nằm trong danh sách này.
Các tập đoàn đa ngành với lịch sử kinh doanh lâu đời như tập đoàn CP Group của Thái Lan, Sime Darby của Malaysia, PT Djarum của Indonesia và San Miguel của Philippines đóng vai trò lớn trong nền kinh tế tổng thể của ASEAN. Danh mục đầu tư của những tập đoàn này trải rộng từ lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, bất động sản cho đến ngân hàng, viễn thông và bán lẻ.
Nhưng sự chi phối kinh doanh quá lớn của các tập đoàn trên đang ngăn cản khu vực đạt được tiềm năng kinh tế tối đa.
Cách đây chưa lâu, các doanh nghiệp này là những ngôi sao trong trên thị trường khoán ASEAN. Trong giai đoạn 2003-2012, các tập đoàn đa ngành của khu vực mang về tổng lợi nhuận hàng năm cho cổ động (bao gồm cổ tức) lên đến 28%. Tỷ lệ này cao hơn so với mức tổng lợi nhuận cổ đông 20% của những công ty chỉ tập trung vào một lĩnh vực đơn lẻ, theo hãng tư vấn quản lý Bain.
Tuy nhiên, tình hình đảo ngược sau đó. Trong giai đoạn 2013-2023, các tập đoàn lớn chỉ tạo ra tổng lợi nhuận cổ đông hàng năm 4%, so với 11% ở những công ty tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.
Điều này một phần là do đà suy giảm giá cả của những hàng hóa mà các tập đoàn này kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy họ không kịp thời thích ứng với các điều kiện kinh doanh đang thay đổi.
“Những ngành công nghiệp mà các tập đoàn đa ngành dựa vào để phát triển đã bão hòa hoặc đang bắt đầu suy giảm. Nhiều tập đoàn đã không linh loạt để xâm nhập vào các lĩnh vực mới”, Till Vestring, đối tác của Bain nhận xét.
Nỗ lực làm mới mình
Một số tập đoàn ở ASEAN đang nỗ lực thay đổi, chẳng hạn như Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã ra mắt thương hiệu xe điện Vinfast và từng có thời gian ngắn tiến vào lĩnh vực điện thoại thông minh.
Nhiều tập đoàn trong khu vực đang tìm kiếm sự hỗ trrợ của các công ty nước ngoài để tiến vào các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, ngân hàng số và năng lượng tái tạo.
Sinar Mas, một tập đoàn lớn ở Indonesia, đã hợp tác với LG CNS, công ty điện toán đám mây của tập đoàn LG (Hàn Quốc) để xây dựng các trung tâm dữ liệu.
Ayala Group của Philippines bắt tay với Ant Financial, công ty công nghệ tài chính của Trung Quốc để ra mắt liên doanh Mynt. Liên doanh này đang điều hành GCash, nền tảng ví điện tử phổ biến nhất ở Philippines. Hồi đầu tháng này, Ayala bán 50% cổ phần trong liên doanh này cho Mitsubishi của Nhật Bản với giá 319 triệu đô la Mỹ.
Đối với nhiều tập đoàn của Đông Nam Á, sự phụ thuộc vào quan hệ chính trị sâu sắc với chính quyền đã kìm hãm động lực đổi mới. Các quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nước ngoài cũng ngăn cản họ nâng cao tính cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, truyền thông và bất động sản.
Các tập đoàn của khu vực cũng là nguồn tài trợ lớn nhất cho các doanh nghiệp non trẻ. Họ có những đơn vị chuyên đầu tư mạo hiểm với số vốn đáng kể. Tại Philippines, các tập đoàn như JG Summit và Ayala là nhà cung cấp vốn lớn nhất cho các công ty khởi nghiệp. Sinar Mas và Lippo Grpoup là những nhà đầu tư mạo hiểm lớn ở Indonesia.
Đó là điều tích cực cho những doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận sáp vào những tập đoàn lớn của khu vực, nhưng lại mối lo ngại đối với những doanh nghiệp muốn cạnh tranh với họ.
Các tập đoàn lớn hiện diện khắp nơi trên châu Á, mang lại lợi ích kinh tế cho những thị trường chưa phát triển bằng cách phân bổ nguồn vốn và tài năng. Nhưng các tập đoàn ở ASEAN chưa thiết lập sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tại Hàn Quốc, các tập đoàn gia đình (chaebol) như Samsung, Hyundai và LG có quy mô lớn và sáng tạo vì họ cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, các tập đoàn ở ASEAN chỉ tập trung vào những thị trường chủ lực của họ trong khu vực. Khi vươn ra toàn cầu, họ thường chỉ bán những mặt hàng cơ bản như nông sản.
Khó thâu tóm
Sự sa sút của các tập đoàn cồng kềnh ở ASEAN thu hút sự chú ý của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân nước ngoài. Các công ty quản lý tài sản này từng thâu tóm và chia nhỏ thành công những tập đoàn lớn ở những nơi khác.
KKR và Blackstone là những công ty quản lý tài sản khổng lồ của Mỹ đang mở rộng hiện diện trong khu vực. Tuy nhiên, các tập đoàn ở ASEAN thường chỉ niêm yết một phần cổ phiếu của họ, khiến các ý đồ thâu tóm thù địch trở nên bất khả thi.
Hơn 50% cổ phần của tập đoàn YTL (Malaysia), SM Investments (Philippines) và Thaibev (Thái Lan) thuộc sở hữu tư nhân (chưa niêm yết). Nhưng vẫn có những nỗ lực thâu tóm nhắm vào các công ty quy mô tầm trung đang diễn ra.
Hồi tháng Tám, CVC, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân của châu Âu, mua cổ phần đa số của chuỗi bệnh viện Siloam International Hospitals từ Lippo Group của Indonesia với giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ.
Dù vậy, sự hạn hẹp của thị trường vốn trong khu vực gây khó khăn cho việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp bị thâu tóm này. Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài thường không hứng thú nhiều với những công ty có quy mô khiêm tốn ở ASEAN.
Nếu không tăng cường tính cạnh tranh, tính cồng kềnh và sức ì của các tập đoàn sẽ làm tàn lụi câu chuyện kinh tế lạc quan của ASEAN.
Theo The Economist