Các thành phố lớn mở cửa kinh tế như thế nào trong dịch Covid-19?
Các thành phố lớn trên thế giới đang tìm cách chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19 và xem đây là căn bệnh có thể tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng.
Theo New York Times, tại buổi diễn tập ngày 4/8, dàn diễn viên và đoàn làm phim Waitress đã tụ họp. Họ vui mừng ôm chầm lấy nhau sau quãng thời gian xa cách.
Họ cùng bày tỏ lòng kính trọng đối với nam diễn viên Nick Cordero, người đã qua đời vì dịch Covid-19 vào mùa hè năm ngoái.
Tại Midtown Manhattan (thành phố New York, Mỹ), những diễn viên và ê-kíp của các buổi biểu diễn ở sân khấu Broadway đã được triệu tập lại, lần đầu tiên sau khi đại dịch buộc mọi nhà hát phải đóng cửa. "Tôi rất vui khi được ở đây với mọi người", cô Anaïs Mitchell, người soạn nhạc và lời cho Hadestown, cảm thán.
New York mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến của giới quan sát. Hồi tháng 5, cựu Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, các cửa hàng, rạp chiếu, viện bảo tàng và nhà hàng sẽ được phép hoạt động gần như hết công suất vào ngày 19/5.
Yêu cầu tiêm chủng, đeo khẩu trang bắt buộc
"Hôm nay là một cột mốc quan trọng đối với toàn bang", ông nhấn mạnh. Các nhà hàng sẽ không còn phải giới hạn sức chứa và có giờ giới nghiêm. Trước đó, các nhà hàng và quán bar đều phải đóng cửa trước nửa đêm. Ở thành phố New York, những thực khách ăn uống trong nhà cũng chỉ được chiếm 50% sức chứa của nhà hàng.
Theo Broadway League, các rạp hát được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Broadway sẽ không tổ chức những tác phẩm quy mô lớn cho đến tháng 9. Khán giả đến rạp cũng phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ và đeo khẩu trang.
Trên thực tế, New York đã nhiều lần thay đổi các quy định về sức chứa khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên hoặc giảm xuống, khiến các chủ nhà hàng và quán bar lao đao. Dịch vụ ăn uống trong nhà được phép mở lại vào tháng 9/2020 rồi bị cấm 3 tháng sau đó. Đến tháng 2/2021, nhà hàng chỉ được hoạt động với công suất 25%.
Theo New York Times, việc dỡ bỏ các hạn chế không thể thay đổi tình hình ở những khu kinh doanh của Manhattan một sớm một chiều. Nhiều công ty lên kế hoạch đưa nhân viên văn phòng trở lại vào mùa thu. Ngành công nghiệp khách sạn cho rằng trong nhiều năm, du lịch sẽ không thể trở lại mức trước đại dịch.
Theo ông Cuomo, các cư dân vẫn phải đeo khẩu trang trong nhà. Doanh nghiệp cần tuân thủ theo những nguyên tắc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không phải đảm bảo giãn cách nếu nhân viên đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc có xét nghiệm âm tính với virus. Nhà hàng cũng phải tuân theo nguyên tắc bằng cách dựng rào chắn giữa các bàn.
Bà Kathy Hochul - thống đốc thứ 57 của bang New York - tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi mở cửa trở lại. "Không ai trong số chúng ta muốn trở lại nỗi kinh hoàng với Covid-19 hồi năm ngoái", bà nói trong bài phát biểu ở Albany.
Theo bà Hochul, tất cả đều phải đeo khẩu trang để vào trường học khi trường mở cửa trở lại. Các nhân viên và giáo viên trong trường cần tiêm chủng hoặc xét nghiệm virus mỗi tuần.
Trước đó, Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio cũng yêu cầu tất cả nhân viên, giáo viên và quản lý ở trường công lập tại thành phố phải tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 27/9.
Ngoài ra, bà Hochul cũng hứa sẽ nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản đối với hai chương trình cứu trợ của bang. "Tôi không hài lòng với tốc độ của gói cứu trợ. Tôi muốn tiền đến tay những người cần ngay bây giờ, không lý do, không chậm trễ", bà nhấn mạnh.
Sống chung với Covid-19
Nhiều thành phố lớn khác trên thế giới cũng tìm cách đảm bảo an toàn cho cư dân khi tái mở cửa. Tại Hàn Quốc, hơn 60% ca nhiễm mới phát sinh tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Chính quyền Hàn Quốc đã quyết định duy trì lệnh giãn cách xã hội mức 4 đối với Seoul. Theo đó, các nhà hàng, quán cà phê chỉ được phép mở cửa kinh doanh đến 9h tối.
Trong khi đó, phòng tập hát, cơ sở thể thao trong nhà và trung tâm dạy thêm vẫn được phép mở cửa đến 10h tối. Số người tụ tập tối đa sau 6h tối là 4 người, bao gồm 2 người đã hoàn thành tiêm chủng.
Straits Times đưa tin hôm 6/8, ông Ong Ye Kung - Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore - cũng thông báo về lộ trình bốn bước để Singapore chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19 và xem đây là căn bệnh theo mùa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng.
Theo đó, kể từ ngày 10/8, Singapore sẽ cho phép người dân dùng bữa chung bên ngoài theo nhóm tối đa 5 người (nếu đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine). Quy định về số người được phép tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nâng từ 2 lên 5 người. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp đón tối đa 5 khách/ngày.
Công dân Singapore đã tiêm chủng đủ 2 liều vaccine có thể tham gia các hoạt động không cần đeo khẩu trang, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn hoặc những sự kiện quy mô lớn.
Các công dân chưa tham gia tiêm chủng nhưng có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước sự kiện (PET) và công dân đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 cũng được phép tập trung theo nhóm tối đa 5 người.
Theo ông Gan Kim Yong - Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, mọi công dân sẽ được phép dùng bữa tại khu hawker (ẩm thực đường phố) và các quán cà phê bất kể tình trạng tiêm chủng - nhưng chỉ theo nhóm tối đa 2 người.
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, quy mô tổ chức các sự kiện, giới hạn về sức chứa tại những trung tâm thương mại, điểm tham quan cũng sẽ được nâng lên vào ngày 19/8. Tại thời điểm đó, các công ty có thể cho phép đến 50% số nhân viên đang làm việc từ xa quay trở lại văn phòng.
Lộ trình chuyển đổi cần cẩn trọng để cân bằng giữa vấn đề sức khỏe và các hoạt động thường nhật. Cách tiếp cận của chúng ta sẽ là hành động từng bước một, dự đoán và ra quyết định dựa trên đánh giá
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore
Theo ông Ong, giai đoạn chuẩn bị sẽ diễn trong khoảng 1 tháng kể từ ngày 10/8 đến đầu tháng 9, và là giai đoạn đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi 4 bước của Singapore để chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19.
Vào đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số dự kiến đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine, đảo quốc sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn mà Bộ Y tế Singapore đang gọi là “giai đoạn chuyển đổi A”. Đó là thời điểm mà nền kinh tế sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn, với nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch được triển khai trở lại.
Tuy nhiên, ông Ong cho biết khi đó, người dân Singapore cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ gia tăng số ca bệnh và tử vong.
“Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để giảm thiểu tỷ lệ trở bệnh nặng hơn và thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai tiêm chủng cho công dân vẫn rất quan trọng", ông nhấn mạnh.
Ông Ong cho biết nếu các biện pháp này đem lại kết quả khả quan, Singapore sẽ tiếp tục hướng đến giai đoạn chuyển đổi B, trước khi chính thức bước vào trạng thái bình thường mới.
“Lộ trình chuyển đổi cần cẩn trọng để cân bằng giữa vấn đề sức khỏe và các hoạt động thường nhật. Cách tiếp cận của chúng ta sẽ là hành động từng bước một, dự đoán và ra quyết định dựa trên đánh giá", Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh.