Các thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích

Thi thoảng bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón... là bình thường, nhưng các triệu chứng này kéo dài hoặc tái phát có thể cảnh báo mắc hội chứng ruột kích thích. Vậy nguyên nhân của hội chứng này là gì và các thuốc nào dùng điều trị?

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa mãn tính ảnh hưởng 5% đến 10% dân số. Trong thực hành lâm sàng, hội chứng ruột kích thích được đặc trưng bởi các triệu chứng đau bụng tái phát và rối loạn đại tiện.

Hội chứng ruột kích thích được phân loại theo dạng phân chiếm ưu thế như sau:

Tiêu chảy chiếm ưu thế
Táo bón chiếm ưu thế
Phân nhóm hỗn hợp

Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích có thể do một trong những nguyên nhân sau ra:

Bất thường về nhu động ruột
Hệ miễn dịch hoạt động không bình thường (hoạt động quá mức hoặc kém)
Thay đổi vi khuẩn sống trong ruột (hệ vi sinh đường ruột)...

Những thay đổi này có thể thay đổi cách hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Đôi khi hội chứng ruột kích thích cũng xuất hiện sau khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng đường ruột (viêm ruột).

Triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích là đau bụng.

Triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích là đau bụng.

Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ruột kích thích là đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai, tùy thuộc vào loại mắc phải. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm:

Chảy máu khi đi tiêu, máu có thể đỏ tươi hoặc đen
Công thức máu thấp (thiếu máu) được xác định bằng xét nghiệm máu
Giảm cân ngoài ý muốn...

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bệnh nhân nên liên hệ với các cơ sở y tế.

3. Thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích

Chế độ dinh dưỡng, kết hợp với uống thuốc điều trị triệu chứng là phương pháp điều trị chính của hội chứng ruột kích thích.

Việc sử dụng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích, dù là thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thảo dược hay thực phẩm bổ sung đều phải được cân nhắc cẩn thận và có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Người bệnh không nên tự ý sử dụng.

Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng cụ thể của mỗi người. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc dựa theo triệu chứng bệnh.

Những loại thuốc thường được sử dụng trong quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích có thể bao gồm:

Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng là một loại thuốc làm tăng chức năng ruột ở những bệnh nhân bị táo bón. Có nhiều loại thuốc nhuận tràng, các loại được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu như polyetylen glycol
Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc nhuận tràng làm mềm phân

Thuốc tiêu chảy: Đây là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, giảm bài tiết ruột và tăng lượng chất lỏng được tái hấp thu bởi đường tiêu hóa. Loperamid là thuốc tiêu chảy được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, thuốc có các tác dụng phụ bao gồm đau bụng và táo bón có thể trở nên nghiêm trọng.

Thuốc chống co thắt: Thuốc chống co thắt là thuốc ức chế co thắt cơ trơn trong đường tiêu hóa. Các loại thuốc chống co thắt chính là thuốc kháng cholinergic và thuốc giãn cơ trơn. Thuốc cũng có các tác dụng phụ đáng kể bao gồm táo bón và khô miệng.

Thuốc trầm cảm: Thuốc trầm cảm có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Trong hội chứng ruột kích thích thuốc chống trầm cảm được sử dụng vì tác dụng điều chỉnh cơn đau thần kinh, chứ không phải vì tác dụng chống trầm cảm. Bệnh nhân nên dùng liều thấp thuốc chống trầm cảm trước khi đánh giá hiệu quả.

Thuốc kháng sinh: Rifaximin là loại kháng sinh duy nhất được chấp thuận để điều trị hội chứng ruột kích thích.

Chất xơ: Chất xơ không hòa tan có nhiều khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng và đầy hơi ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, các chất xơ hòa tan như psyllium giúp cải thiện các triệu chứng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị táo bón.

Thay đổi chế độ ăn uống giúp giảm bớt các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Thay đổi chế độ ăn uống giúp giảm bớt các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

4. Lời khuyên chung đối với người mắc hội chứng ruột kích thích

Đối với bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, khuyến nghị chung là nên thay đổi chế độ ăn uống, tránh các loại thực phẩm gây kích thích.

Khuyến nghị về chế độ ăn uống bao gồm:

Chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ
Không ăn quá no
Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày
Hạn chế uống trà và cà phê
Không nên uống rượu và đồ uống có ga hoặc có đường
Tránh gia vị và các thực phẩm gây kích thích như tỏi và hành tây...

Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là những người bị tiêu chảy nên cân nhắc chế độ ăn ít fodmap. Thực phẩm có chứa fodmap là carbohydrate chuỗi ngắn. Chế độ ăn ít fodmap đã được chứng minh là làm giảm đáng kể các triệu chứng liên quan đến hội chứng ruột kích thích so với chế độ ăn thông thường.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích cũng có thể được giảm bớt bằng cách tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Ăn đường có hại cho tim không?

DS. Lê Mỹ Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-hoi-chung-ruot-kich-thich-169230313130656592.htm