Các vấn đề pháp lý liên quan đến đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn là vì các doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đủ về khung thể chế, pháp lý liên quan. Do đó, đây là lúc các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại và lưu tâm hơn hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh hiện nay.

Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

 Stent mạch vành "made in Vietnam" đạt chuẩn về chất lượng, dự án thuộc Chương trình phát triển công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý

Stent mạch vành "made in Vietnam" đạt chuẩn về chất lượng, dự án thuộc Chương trình phát triển công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên phạm vi toàn thế giới là một điều tất yếu. Đồng thời, việc ký kết hiệp định thương mại tự do mang đến cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khi sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra không những phải tuân theo hệ thống tiêu chuẩn, đo lường của quốc gia mà để cạnh tranh, doanh nghiệp còn phải thay đổi để sản xuất hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến hệ thống luật Việt Nam, Luật Tiêu chuẩn (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) số 68/2006/QH11 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2007, đây là nền tảng pháp lý cho sự phát triển, đổi mới hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, do đặc thù từng vùng miền trên cả nước khác nhau nên ở mỗi vùng miền, các doanh nghiệp cũng cần chú ý thêm hệ thống quy định tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại địa phương sở tại.

Hệ thống luật pháp quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng có phần phức tạp hơn do mỗi thị trường, mỗi tổ chức lại có hệ thống chỉ số đánh giá riêng. Một số tiêu chuẩn quốc tế tiêu biểu có thể kể đến như tiêu chuẩn ISO của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, tiêu chuẩn IEC của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế, tiêu chuẩn Codex Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế,… Đối với hệ thống pháp lý tiêu chuẩn khu vực, chẳng hạn như thị trường châu Âu, một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhưng cũng khắt khe nhất, họ có hai hệ thống tiêu chuẩn đánh giá: Tiêu chuẩn chung (những quy định bắt buộc phải có đối với hàng hóa) và Tiêu chuẩn riêng (những quy định mang tính tự nguyện, khuyến khích, “cộng điểm”). Ngoài ra, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đều có quy định tiêu chuẩn riêng của họ như BS (Anh), JIS (Nhật), GB (Trung Quốc)... Chính vì sự phức tạp và đa dạng trong hệ thống đo lường quốc tế, điều này yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp mở rộng ra thị trường nước ngoài, cần phải lưu ý hệ thống tiêu chuẩn ở từng cấp độ nhằm tránh phải những rủi ro thương mại, đồng thời có được điểm cộng cho hàng hóa của doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ KH&CN là cơ quan đảm Nhà nước nhiệm vai trò quản lý các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn hóa, đo lường, kiểm nghiệm chất lượng.

Thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ

Ngày nay, tri thức đã trở thành một “tài sản” mới giúp tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong xã hội. Việc đảm bảo tài sản trí tuệ sẽ tạo ra giá trị, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp về sản phẩm, dịch vụ, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến và công nghệ mới; từ đó đơn giản hóa quy trình phát triển và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Có thể nói, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một trong những nguyên tắc cốt yếu trong sự vận động của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

 Dự án “Vắc-xin phòng bệnh viêm phổi ở lợn” đã hoàn thành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý

Dự án “Vắc-xin phòng bệnh viêm phổi ở lợn” đã hoàn thành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý

Năm 2005, Việt Nam đã ban hành Luật sở hữu trí tuệ. Bộ luật này đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật quy định thủ tục đăng ký bằng sáng chế, chuyển giao công nghệ và bảo vệ đổi mới sáng tạo. Để ngăn chặn việc bị đánh cắp ý tưởng, các doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu, đăng ký bản quyền, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp thậm chí dưới danh nghĩa cá nhân trước khi đăng ký kinh doanh. Trong đó, các sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện như: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Việc quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ trực thuộc Bộ KH&CN chịu trách nhiệm. Với 19 nhiệm vụ chính, cho đến nay, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đảm bảo các hoạt động về sở hữu trí tuệ trong nước và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Thị trường khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tạo lập môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, gắn kết khoa học, công nghệ với hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán sản phẩm khoa học và công nghệ như sáng kiến, bản quyền cùng các dịch vụ liên quan khác.

Ở Việt Nam, thị trường này đang có những bước đột phá lớn, với sự gia tăng đáng kể các giao dịch công nghệ ở cả quy mô quốc gia, vùng, địa phương. Kết quả này có được là nhờ việc cải thiện môi trường pháp lý của nhà nước liên quan đến vấn đề gia tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ khoa học, công nghệ, tỷ lệ giao dịch mua bán tài sản trí tuệ và mạng lưới sàn giao dịch công nghệ. Cụ thể, một số chính sách tiêu biểu giúp cải thiện môi trường pháp lý bao gồm: Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg, Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN Quy định thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ của Bộ KH&CN,...

Việc quản lý về phát triển thị trường công nghệ do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ KH&CN quản lý, thực hiện chức năng nghiên cứu và xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược về phát triển thị trường công nghệ. Bên cạnh đó, Cục còn quản lý các sản giao dịch công nghệ, hướng dẫn việc đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ,...

Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ

Tổ chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiệm thu dây chuyền Sigma trong hệ thống sản xuất cấu kiện nhà công nghiệp

Tổ chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiệm thu dây chuyền Sigma trong hệ thống sản xuất cấu kiện nhà công nghiệp

Khoa học và công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong nền kinh tế cả nước. Điều này yêu cầu một hệ thống đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm, hàng hóa cũng như sự an toàn của người dân khi sử dụng thiết bị kỹ thuật và vật phẩm hóa học liên quan.

Một số luật định quan trọng liên quan đến hệ thống đánh giá công nghệ bao gồm: Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ, Thông tư hướng dẫn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cùng nhiều cơ chế, chính sách khác liên quan.

Việc quản lý hệ thống đánh giá, thẩm định công nghệ do Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ trực thuộc Bộ KH&CN đảm nhiệm. Cho đến nay, Vụ đã chủ trì và tham gia góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi và nhiều dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, thuế, tài chính,... Ngoài ra, Vụ còn hỗ trợ các địa phương triển khai công tác quản lý liên quan đến hoạt động thẩm định công nghệ, phối hợp với Thanh tra Bộ KH&CN thực hiện công tác kiểm tra tình hình thực hiện Hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, …

Nghiên cứu và phát triển (R&D)

Nghiên cứu và phát triển là hoạt động đầu tư nghiên cứu công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm đầu tư.

Cơ quan Nhà nước đảm nhiệm vị trí trung tâm trong việc quản lý, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp là Bộ KH&CN. Sau 60 năm kể từ khi được thành lập, đến nay, ngành KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực tại mọi vùng miền trong cả nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN là chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình KH&CN quốc gia nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào công cuộc đổi mới công nghệ nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, một số chương trình KH&CN nổi bật bao gồm:

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 tập trung phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ ở mức tối đa; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 nhằm mục đích phát triển các mặt hàng do Việt Nam sản xuất bằng công nghệ tiên tiến và có khả năng cạnh tranh cao; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; ...

Tới đây, Bộ KH&CN sẽ hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành khoa học và công nghệ từ ngày 29 đến ngày 30/11/2019. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong thời gian qua

Hồng Ánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-van-de-phap-ly-lien-quan-den-doi-moi-cong-nghe-trong-doanh-nghiep-128818.html