Các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Những điểm mới nổi bật

LTS: Những ngày này, các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TƯ ngày 9-3-2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là bước quan trọng để đưa các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng - sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất 'ý Đảng, lòng dân' - vào cuộc sống. Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu loạt bài viết 'Các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Những điểm mới nổi bật'.

Bài 1: Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên

Các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã cho thấy một bước chuyển biến về tư duy lý luận và tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn lên của Đảng ta trong định hướng phát triển đất nước. Đặc điểm nổi bật này thể hiện trước tiên và cô đọng ở ngay chủ đề Đại hội và mục tiêu phát triển đất nước đã được Đại hội thông qua.

Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình. Ảnh: Sơn Linh

Bổ sung 3 nội dung vào chủ đề Đại hội

Chủ đề Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

So với chủ đề Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII có nhiều điểm mới. Cụ thể là, bổ sung “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành:“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng cho thấy, trong bối cảnh có sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, phải chỉnh đốn thì mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Do đó, cần phải bổ sung “chỉnh đốn” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Đồng thời, trong bối cảnh Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị thì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, bổ sung “hệ thống chính trị” vào chủ đề Đại hội là đúng đắn và cần thiết.

Chủ đề Đại hội còn được bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, và “kết hợp với sức mạnh thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để trở thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.

Thực tiễn lịch sử thế giới, cũng như lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đất nước ta đã cho thấy tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta có những thuận lợi, cơ hội to lớn để phát triển, chúng ta rất cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo nên động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, phát triển nhanh, bền vững. Đây là yêu cầu, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước.

Mặt khác, việc kết hợp nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là quyết định, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là một quan điểm lớn, nội dung lớn trong đường lối cách mạng, phát triển đất nước của Đảng. Ngày nay, xu thế của thời đại, luật pháp, các quan hệ quốc tế, sự hợp tác, ủng hộ của các nước, cộng đồng quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững. Do đó, việc đưa nội dung “phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” vào chủ đề Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng.

Thành tố cuối trong chủ đề Đại hội XIII xác định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; trong đó nội dung “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng; điểm mới là “nước ta trở thành nước phát triển”.

Bước tiến về nhận thức

Tầm nhìn, mục tiêu phát triển nêu trên đã được cụ thể hóa bằng mục tiêu khái quát và mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 3 mốc thời gian: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đây là sự kế thừa mục tiêu được các Đại hội trước đề ra, đồng thời tiếp thu các tiêu chí theo thông lệ quốc tế.

Điểm nổi bật là gắn với mỗi mốc thời gian, mục tiêu đã được cụ thể hóa: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm); đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt 7.500 USD/năm); đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người đạt trên 12.535 USD/năm).

Có thể khẳng định, việc xác định các mục tiêu cụ thể theo các tiêu chí mới thể hiện bước tiến nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

(Còn nữa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/996729/cac-van-kien-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-nhung-diem-moi-noi-bat