Cách cấp cứu cho người có dấu hiệu quá sức khi tập luyện thể dục, thể thao

Thực tế đã ghi nhận có nhiều trường hợp đột tử khi đang tập thể dục, thể thao. Vậy cần làm gì khi phát hiện người tập thể dục, thể thao có dấu hiệu quá sức?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, thực tế có nhiều trường hợp đột tử khi đang tập thể dục, thể thao. Những trường hợp này đa số là do có bệnh lý tim mạch nhưng không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Theo PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, tập luyện thể thao tốt cho sức khỏe, nhưng mỗi người cần phải chọn lựa để lập luyện những môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Ví dụ như người cao tuổi nên tập dưỡng sinh, người trẻ thì có thể tập gym, zumba, bóng chuyền, bóng đá, chạy…, những người có bệnh lý về tim mạch thì chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng.

"Với những người có bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim nguy hiểm và một số trường hợp có bệnh lý mạch vành khi tập thể dục, thể thao gắng sức có thể dẫn tới suy tim cấp, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tuần hoàn. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải nói.

Mỗi người cần lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Ảnh: Quỳnh Mai.

Mỗi người cần lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Ảnh: Quỳnh Mai.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cũng cho hay, với những vận động viên thể thao, việc khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe chuyên sâu là rất cần thiết, vì họ thường xuyên phải tập luyện trong trạng thái gắng sức để nâng cao thành tích của mình. Việc khám sức khỏe chuyên sâu sẽ giúp theo dõi nhịp tim, đánh giá sự thay đổi của nhịp tim, huyết áp…Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, xem vận động viên có đủ điều kiện về sức khỏe để tiếp tục tập luyện và thi đấu hay không.

Còn với người bình thường, việc không kiểm tra sức khỏe thường xuyên khiến bệnh lý tiềm tàng không được phát hiện. Khi tập thể dục thể thao ở cường độ cao, bệnh lý phát triển thì rất nguy hiểm. Lúc này người tập có thể bị ngừng tuần hoàn.

"Khi bắt đầu tập một môn thể thao, chỉ nên tập ở cường độ vừa phải, "lắng nghe" cơ thể sau đó mới dần tăng cường độ. Khi cảm thấy cơ thể quá mệt hay khó thở, chẹn ngực, đau ngực thì người tập cần dừng tập luyện ngay… Không nên tập thể thao ở điều kiện khắc nghiệt như ngoài trời nắng, phòng nóng nực, quá lạnh… Nên thực hiện theo giáo án và có huấn luyện viên. Ngoài ra, mỗi người cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe theo định kỳ, hoặc đi khám bất cứ lúc nào khi có biểu hiện khác thường", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải đưa ra lời khuyên.

Cần làm gì khi phát hiện người có dấu hiệu quá sức khi tập thể dục, thể thao?

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cũng cho hay, khi phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập luyện thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không. Nếu người này không tỉnh, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt).

"Đặt tay lên giữa ngực, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh với tần số khoảng 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Có thể chấp nhận việc ép tim liên tục mà không cần thổi ngạt. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi đội xe cấp cứu 115 đến hiện trường.

Một bệnh nhân bị vỡ tim khi đang tập gym, được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM). Ảnh: Mỹ Hạnh.

Một bệnh nhân bị vỡ tim khi đang tập gym, được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM). Ảnh: Mỹ Hạnh.

Song song với việc sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải hướng dẫn.

Với những trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, sau khi nghỉ ngơi, nếu người bệnh tỉnh nhưng vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, hay có hồi phục nhưng không hoàn toàn, thì cần được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế.

"Tốt nhất trước khi chơi các môn thể thao gắng sức nhiều, mỗi người cần được kiểm tra sức khỏe, được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe xem có thể tham gia được hay không. Trong quá trình chơi thể thao, cần ghi nhận, theo dõi các dấu hiệu của cơ thể. Nếu có các biểu hiện không bình thường như khó thở, đau ngực, mệt xỉu, ngất… cần được đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Tại các cơ sở thể dục, thể thao cũng cần được trang bị nhân lực và trang thiết bị y tế để kịp thời sơ cứu, hỗ trợ có hiệu quả, khi không may người tập xảy ra biến cố", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-cap-cuu-cho-nguoi-co-dau-hieu-qua-suc-khi-tap-luyen-the-duc-the-thao-169241022161146882.htm