Cách cho quan trọng hơn của cho
Những ngày cận Tết thường có rất nhiều chương trình tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách... do các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, hội, nhóm... thực hiện.
Đây là hoạt động thiện nguyện thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của người Việt ta.
Mục đích cơ bản tốt đẹp, nhân văn của những hoạt động kể trên là không thể bàn cãi, được xã hội ghi nhận và đối tượng thụ hưởng cảm kích.
Ở chiều ngược lại, thực tế cho thấy có nhiều chuyện không vui, thậm chí phản cảm từ hoạt động tặng quà Tết, xuất phát từ sự thể hiện thái quá của bên cho.
Mới đây, người viết bài này có đọc được nội dung tranh luận của một nhóm thiện nguyện. Theo đó, thành phần chủ lực của nhóm đề nghị lãnh đạo địa phương phải đưa cho được toàn bộ người cao tuổi, neo đơn (theo danh sách đã duyệt) đến trụ sở ủy ban để nhận quà, nếu vắng mặt thì không phát! Trong khi những người còn lại trong nhóm không muốn vậy vì quá phiền các cụ. Kết cục, buổi trao quà không được vui do hầu hết các cụ đã già yếu, co ro vì lạnh mà phải xếp hàng chờ nhiều giờ để nhận bao quà khá "nặng" - "nặng" là bởi mấy chai dầu ăn, nước mắm, nước ngọt và... thùng mì gói, nhiều cụ ôm không nổi phải nhờ khiêng về. Bị điều tiếng nên nhóm này cãi nhau.
Những trường hợp không vui tương tự như trên tương đối phổ biến, thường vào dịp trước Tết hoặc mùa bão lụt. Người được cứu trợ đã nghèo, đừng để họ "gặp cái eo" bằng cách trao quà gây phản cảm, khiến họ buồn thêm. "Của cho không bằng cách cho", ông bà ta đã răn dạy là vì thế.
Gây xôn xao nhiều là chuyện Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang hứa thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 2019 vừa qua 500 triệu đồng nhưng rồi không chịu chi. Số tiền này chẳng lớn so với khoảng 23 tỉ đồng là tổng tiền thưởng đội nữ được nhận từ các nguồn lực xã hội song đối với hoàn cảnh hầu hết các nữ tuyển thủ, đó là một khoản đáng kể. Đã tuyên bố trước công chúng rồi và trong khi các doanh nghiệp hứa thưởng khác đã giải ngân xong cả, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại cù nhầy bằng cách đưa ra điều kiện phi lý: Bên nhận phải báo cho công ty biết tiền được chia ra sao, từng người hưởng bao nhiêu... Quả thật, đây là trường hợp kỳ quặc vô tiền khoáng hậu mà dân gian hay nói khinh là "Lấy đồng tiền làm láo". Khi dư luận lên tiếng, công ty này mới liên hệ giải ngân nhưng bị thầy trò HLV Mai Đức Chung từ chối. Đó là cái lắc đầu cần thiết để nhắc lại cho những ai nếu đã bỏ qua lòng tự trọng thì hãy học cho thuộc thành ngữ "Của cho không bằng cách cho" và hãy quên đi tư tưởng "Trăm ơn không bằng hơn tiền" của kẻ trọc phú!
Ngay cả một số thương hiệu ngoại quốc trong ngành nước uống vừa rồi bị Tổng cục Thuế truy thu, phạt thuế gần cả ngàn tỉ đồng/tập đoàn cũng thường có nhiều hoạt động "chăm lo cộng đồng". Tấm lòng của họ, nếu thật sự tử tế, thì được người dân Việt Nam đón nhận. Còn nếu họ kinh doanh thu lãi rất bộn nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc chuyển giá bất hợp pháp thì mọi hoạt động thiện nguyện đấy chẳng có ích gì. Có phải đó là một cách che mắt thiên hạ để tiện tay ăn cắp?
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cach-cho-quan-trong-hon-cua-cho-20200113232240477.htm