Cách chuẩn bị mâm cỗ và những lưu ý khi cúng Tất niên
Lễ cúng Tất niên mang nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Vì thế, việc chuẩn bị một mâm cỗ cúng Tất niên một cách đầy đủ và thịnh soạn là rất quan trọng.
Tết đến, các gia đình đều bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa cho thật sạch sẽ, trang trí cây đào, cây quất để chào đón năm mới.
Ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người thường chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn cúng Tất niên, bày tỏ tấm lòng đối với tổ tiên ông bà, đất trời đã phù hộ, giúp đỡ gia đình trong suốt một năm.
Ngoài ý nghĩa tâm linh thờ cúng tổ tiên, bữa cơm tất niên cũng có ý nghĩa tinh thần gắn bó gia đình. Đây là cũng bữa ăn đoàn viên, bữa ăn đón chào những thành viên làm việc ở nơi xa về quây quần bên gia đình.
Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình để tổ chức nhưng thời điểm thích hợp nhất để tổ chức lễ cúng và sum vầy bên mâm cơm là khoảng chiều hoặc tối ngày 30 Tết.
Thời điểm chiều 30 Tết là khi mọi công việc trong năm cũ đều đã kết thúc, nhà cửa đã được trang hoàng sạch sẽ và mọi người đều kịp trở về nhà.
Thời điểm này, mọi thứ dường như đầy đủ và hoàn hảo nhất để chuẩn bị trình diện và làm cơm cúng.
Tuy nhiên, hiện nay, lễ cúng Tất niên còn được một số gia đình tổ chức trước ngày 30, thường rơi vào khoảng ngày 27 Tết đến 30 Tết.
Dù cúng Tất niên vào ngày nào, các lễ vật cho lễ cúng này luôn phải chuẩn bị đầy đủ, cẩn thận.
Mâm cỗ cúng Tất niên
Tùy thuộc theo vùng miền và điều kiện gia đình, mỗi nơi sẽ có mâm cơm cúng khác nhau, nhưng theo truyền thống, một số lễ vật và món ăn không thể thiếu trên mâm cúng Tất niên gồm có:
Mâm ngũ quả
Lư hương, nhang, tiền vàng
Hoa tươi, trầu cau
Rượu và nước trắng (nước để cúng gia tiên luôn phải là nước chưa qua đun nấu)
Bánh chưng (bánh tét)
Bánh mứt kẹo.
Tất cả đều đã được bày biện trên bàn thờ ngày Tết.
Mâm cỗ mặn gồm có: gà luộc nguyên con và các món ăn truyền thống ngày Tết (tùy vùng miền) như canh măng hoặc canh bóng, giò lụa, thịt đông, nem rán,...
Tùy khẩu vị của mỗi gia đình, có thể chế biến các món ăn ngon khác gồm cả món xào, luộc, canh khác nhau.
Lưu ý trước khi cúng Tất niên
Để lễ cúng Tất niên thành kính trang nghiêm, trước khi làm lễ cúng này, các gia đình cần dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho thật sạch sẽ.
Đặc biệt, các đồ vật trên bàn thờ như lọ hoa, khay nến, lư hương,… cần được các gia đình dùng khăn lau sạch sẽ.
Sau khi nhang đã tàn, các gia đình sẽ tạ lễ, hóa vàng mã và cùng quây quần bên mâm cỗ Tất niên, nói những chuyện vui vẻ và lên kế hoạch cho một năm mới.
Tất niên chính là thời điểm các gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, nhất là những gia đình có con cái đi làm ăn xa nhà.
Vì vậy, không nên cãi nhau, chửi mắng mà thay vào đó nên nói những chuyện vui và những điều tốt lành.