Cách hiện thực hóa mục tiêu năm mới
Chúng ta thường mắc sai lầm trong việc thiết lập và xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu. Đó là lý do những mục tiêu đặt ra từ đầu năm luôn bị bỏ ngỏ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Scranton (2021), chỉ có khoảng 8% dân số có thể hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra.
Chúng ta thường không xem xét khả năng của bản thân và kỳ vọng vào những điều phi thực tế. Khi không thể hoàn thành mục tiêu trong năm qua, bạn dễ dàng cảm thấy thất vọng và nghi ngờ năng lực chính mình.
Bên cạnh thành tựu về sự nghiệp, tài chính, người trẻ thuộc thế hệ Z đang quan tâm nhiều hơn và bắt đầu đặt mục đích cải thiện sức khỏe tinh thần.
Dựa trên ý kiến các chuyên gia, Psychology Today đã đưa ra 5 lời khuyên giúp bạn thực hiện được những mong muốn đề ra cho năm mới.
Gợi nhắc về mục tiêu đã hoàn thành
Bạn nên lưu giữ những thành tích đã đạt được dưới dạng hình ảnh, kỷ niệm chương, bài đăng trên mạng xã hội. Bất cứ lúc nào cần tiếp thêm động lực, bạn có thể xem lại và nhớ về những cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện mục tiêu của bản thân.
Tuy nhiên, bạn không được ngủ quên trên chiến thắng mà phải tiếp tục thiết lập các mục tiêu trong lĩnh vực còn yếu kém. Những thành tựu trong năm cũ sẽ trở thành viên gạch lót đường cho bạn trong năm năm mới.
Lập danh sách chi tiết
Thay vì chỉ suy nghĩ, bạn nên đặt bút viết ra những điều muốn thực hiện trong năm mới. Những điều đó có thể thuộc bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống như công việc, mối quan hệ, phát triển bản thân, sở thích.
Bạn cần đặt tiến độ và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng mục tiêu. Việc lập kế hoạch chi tiết sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng những việc phải làm, thời gian thực hiện.
Ví dụ, thay vì chỉ đặt mục tiêu giảm cân, bạn cần xác định muốn giảm bao nhiêu kg trong 1-2 tháng. Để đạt được số cân nặng lý tưởng, bạn cần ăn uống thế nào và tập luyện ra sao.
Kiên nhẫn
Chúng ta có thể kiên nhẫn với người khác, nhưng lại gặp khó khăn trong việc nhẫn nại với bản thân. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Scranton (2021), đến tháng 2 hàng năm, 80% người đặt mục tiêu cho năm mới quyết định từ bỏ.
Điều quan trọng là phải xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Quá trình hoàn thành những điều đề ra vào đầu năm không phải cuộc chạy đua nước rút. Bạn nên coi đó là một cuộc chạy marathon bền bỉ.
Phát triển dần
Bạn nên chia nhỏ hành trình của bản thân thành từng bước, từng giai đoạn. Để thực hiện một mục đích lớn, bạn cần bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ.
Ví dụ, nếu muốn đạt một loại chứng chỉ ngoại ngữ, ban đầu bạn có thể dành 2 tiếng mỗi ngày để ôn tập. Sau đó, thời gian ôn luyện tăng dần lên 4-6 tiếng/ngày. Gần đến ngày thi, bạn thậm chí có thể sử dụng ngôn ngữ này thay tiếng mẹ đẻ.
Não bộ của chúng ta có khả năng thích nghi cao, vì thế hoạt động tốt theo mức độ kỷ luật mà bạn tuân thủ.
Đánh giá sự tiến bộ
Sau mỗi giai đoạn, bạn có thể tự xem xét và đánh giá lại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bản thân. Đó là cách giúp bạn nhận ra sự tiến bộ và có động lực cố gắng tiếp.
Ngoài ra, bạn cũng nên linh hoạt điều chỉnh mục tiêu hoặc kế hoạch thực hiện đã đề ra trước đó. Đây là sự điều chỉnh phù hợp với năng lực của bạn và thực tế cuộc sống.
Với chiến lược này, bạn có khả năng cao đạt được mục tiêu vào cuối năm. Những thành tựu đáng tự hào đó sẽ giúp chúng ta xây dựng sự tự tin và phát triển bản thân hiệu quả.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-hien-thuc-hoa-muc-tieu-nam-moi-post1387209.html