'Cách mạng' chuyển đổi số trong đào tạo nghề

Dịch bệnh COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển các giải pháp học tập sáng tạo và đẩy nhanh việc cung cấp các hình thức đào tạo từ xa trên môi trường số với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Tuy vậy, cuộc cách mạng này bao gồm cả những cơ hội và thách thức cho cả người dạy và học.

COVID-19 đang tạo ra những thách thức với cả cung và cầu việc làm và giáo dục. Về phía cung, nhu cầu về các kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kỹ năng và dịch vụ số gia tăng đáng kể. Về phía cầu là nhu cầu tạo ra một môi trường học tập thuận lợi thông qua các hình thức đào tạo thích hợp trên môi trường số nhằm đảm bảo việc học tập suốt đời một cách linh hoạt và hiệu quả.

Đào tạo nghề từ xa

Trước khi dịch bệnh xảy ra, các giải pháp học tập từ xa trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được so với việc đào tạo trực tiếp, vốn là những yếu tố thành công trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là những ngành nghề đặc thù kỹ thuật như các nhóm nghề liên quan đến điện, cơ khí, công nghệ ô tô.

Dịch COVID-19 xảy đến khiến trường nghề phải chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến (Ảnh: Itn).

Dịch COVID-19 xảy đến khiến trường nghề phải chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến (Ảnh: Itn).

Theo số liệu khảo sát trực tuyến của ILO, UNESCO, WorldBank, 90% số người được hỏi cho biết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở quốc gia của họ đã bị đóng cửa hoàn toàn như một phản ứng trước sự lây lan của đại dịch và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ; 36% DN có người tập nghề bị ngừng trả phụ cấp và điều chỉnh thời gian đào tạo cho họ; 75% DN sẽ điều chỉnh hoạt động đào tạo sau đại dịch bằng cách chuyển nguồn lực sang các công cụ và phương pháp đào tạo từ xa và nâng cao năng lực của nhân viên trong việc tiến hành đào tạo từ xa bằng trực tuyến.

Do vậy, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 là chất xúc tác để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển đào tạo trực tuyến. Trong bối cảnh khó khăn chung, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thích nghi và nhanh chóng chuyển đổi phương thức đào tạo nhằm cùng lúc thực hiện nhiệm vụ chống dịch, đồng thời vẫn có thể triển khai các hoạt động đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhằm đáp ứng các mục tiêu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ngay từ khi bắt đầu làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, vào tháng 3/2020, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã đưa hệ thống đào tạo trực tuyến vào hoạt động. Để triển khai, Nhà trường đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định về đào tạo, học tập, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo trực tuyến; Tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng ứng dụng đào tạo trực tuyến cho toàn bộ cán bộ, giảng viên... Bên cạnh đào tạo trực tuyến, nhà trường cũng chú trọng công tác tuyển sinh trực tuyến.

Ông Ngọc nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng khó khăn, thách thức này cũng là cơ hội để các nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, xây dựng học liệu số và các giải pháp linh hoạt để nhà trường thích nghi được với diễn biến của đại dịch COVID-19 - dự báo là còn diễn biến phức tạp, lâu dài...

Nỗ lực của cả người học và người dạy

Theo ông Phan Vũ Nguyên Khương, Trưởng khoa Sư phạm Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng nghề TP.HCM, để việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến vào trong quá trình đào tạo đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản là đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy và người học.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định "chuyển đổi số" là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần được xây dựng từng bước và xây dựng đến đâu thì có thể sử dụng đến đó.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định "chuyển đổi số" là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần được xây dựng từng bước và xây dựng đến đâu thì có thể sử dụng đến đó.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng cho cả người dạy và người học về kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học. Trong đó, chú trọng tập huấn cho đội ngũ giảng viên về cách ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thiết kế bài giảng; định kỳ sau mỗi đợt tập huấn cần tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ phía người dạy và người học để rút kinh nghiệm và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Quá trình ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, việc người dạy nói hoặc trình bày liên tục bài giảng trong một khoảng thời gian dài có thể làm người học xao nhãng.

Do vậy, cần thiết phải lưu giữ lại các bài giảng để người học có thể xem lại khi cần tham khảo, đối chiếu trong quá trình ôn luyện, tự học. Ngoài các video bài giảng trực tuyến hoặc lưu trữ trên mạng, các học liệu khác như bài đọc, các đường dẫn tới tài liệu tham khảo trên mạng, các bài ôn tập, bài kiểm tra phục vụ quá trình đào tạo được thiết kế một các dễ nhớ, dễ truy cập, dễ tìm kiếm.

Đối với người học, cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Từ đó, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, thời gian và tâm thế một cách phù hợp để quá trình dạy học diễn ra hiệu quả.

Ông Louis Arsac, Cố vấn của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), nhìn nhận đại dịch COVID-19 cản trở chúng ta gặp nhau nên phải sử dụng kỹ thuật số, phương tiện từ xa để đào tạo, làm việc. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng trong đào tạo.

"Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp số nên đây là yêu cầu mới đặt ra. Thay đổi hình thức học tập là thách thức cho cả người học lẫn người dạy. Người học bây giờ phải đối mặt với công nghệ số, thì thái độ cần thay đổi để tiếp nhận thế nào. Giáo viên cũng phải học công nghệ, vì có học thì mới sử dụng tốt", ông Louis Arsac nhấn mạnh.

Để hoạt động đào tạo nghề hiệu quả, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cụ thể giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng định hướng và triển khai chuyển đổi số trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt là định ra được mô hình quy chuẩn, đồng bộ để việc chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không diễn ra một cách tự phát trên các nền tảng công nghệ khác nhau dẫn đến việc không liên thông được cơ sở dữ liệu và không kết nối được với các hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định "chuyển đổi số" là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần được xây dựng từng bước và xây dựng đến đâu thì có thể sử dụng đến đó.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/cach-mang-chuyen-doi-so-trong-dao-tao-nghe-1082343.html