Cách mạng công nghiệp 4.0 - Chìa khóa để phụ nữ khởi nghiệp

Chỉ ít năm trước, chuyện ứng dụng những thành khoa học của cuộc cách mạng 4.0 tưởng như còn xa lạ với đồng bào miền núi. Nhưng không, rất nhiều chị em phụ nữ Sơn La đã nắm bắt được xu thế này, tự tin ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thành công, trở thành những điển hình tiên tiến ở địa phương.

Hội viên Hội LHPN huyện Mường La trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản.

Hội viên Hội LHPN huyện Mường La trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản.

Người phụ nữ tiêu biểu đầu tiên chúng tôi tìm gặp là chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Sò Lườn, xã Mường Sang (Mộc Châu). Chị đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh 4 ha cam, nhãn, bưởi, hồng giòn, bơ, xoài trên đất dốc, có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2017, chị vận động bà con, thành lập HTX An Phú và được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc. HTX hiện có 10 thành viên, quy mô trên 17 ha cây ăn quả, trong đó 10 ha áp dụng hệ thống tưới phun mưa tự động.

Vừa tất bật thu hái cam để xuất bán cho chuỗi cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội, phục vụ khách dịp cuối năm, chị Thủy vừa giới thiệu: Mô hình trồng cây ăn quả của HTX áp dụng quy trình VietGAP, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV. Vì vậy, sản phẩm quả cung cấp cho hệ thống siêu thị Hà Nội và chuỗi cửa hàng rau an toàn ở các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Điện Biên... Thu nhập của thành viên tăng khoảng 20% so với trước khi tham gia HTX. Theo chị Thủy, đạt được kết quả trên, ngoài được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, HTX còn được Hội LHPN tỉnh và huyện hướng dẫn sử dụng hòm thư điện tử để giao dịch với các đối tác; sử dụng internet để tìm kiếm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả giữa các thành viên; đăng tải hình ảnh sản phẩm, hoạt động của HTX trên Website để quảng bá, giới thiệu. Nhờ đó, sản phẩm quả của HTX An Phú ngày càng được nhiều người biết đến. Giờ đây, gần như toàn bộ giao dịch của HTX được thực hiện qua mạng internet.

Bắt nhịp xu hướng, chị Hà Thị Chình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) lại có cách làm sáng tạo với ý tưởng thành lập nhóm cùng sở thích trồng cây ăn quả. Chia sẻ ý tưởng, chị Chình bảo: Xuất phát từ nhu cầu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển cây ăn quả để tăng năng suất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tháng 8/2018, tôi đã đề xuất với Hội Phụ nữ xã thành lập nhóm trồng cây ăn quả sạch (tiền thân của Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu bây giờ), với 35 thành viên, quy mô gần 40 ha xoài, trong đó 7 ha được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP để phục vụ xuất khẩu. Nhờ áp dụng website quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đến nay, toàn bộ sản phẩm xoài được bán thẳng cho các đầu mối, với sản lượng trên 600 tấn quả, mang lợi nhuận trên 4 tỷ cho chị em, trong đó có 3 gia đình thu trên 500 triệu đồng/năm.

Thành công của chị Nguyễn Thị Thủy và chị Hà Thị Chình cũng như nhiều hội viên phụ nữ khác trong tỉnh có sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn, đào tạo nghề; hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống các loại... Gần đây nhất, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công ty Facebook tại Việt Nam tổ chức hướng dẫn 40 hội viên chia sẻ kiến thức khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh; kỹ năng Marketing trực tuyến, tạo trang Facebook doanh nghiệp; tạo nội dung và chiến lược tương tác hiệu quả trên facebook để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh... Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập 18 HTX do phụ nữ làm chủ; 18 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Riêng năm 2020 có gần 57.000 lượt phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; 261 phụ nữ được Hội hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng; 4 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ được Hội hỗ trợ hiện thực hóa.

Trao đổi câu chuyện làm giàu của hội viên phụ nữ ở các xã, bản trên địa bàn tỉnh với chị Quàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chị Vân cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 được xác định là “chìa khóa” để phụ nữ nâng cao năng lực, sự sáng tạo và có thêm cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp. Nếu không muốn tụt lại phía sau vì lạc hậu, phụ nữ phải chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng kịp với những thay đổi; từng bước làm chủ khoa học, công nghệ để nắm bắt cơ hội và thành công. Đồng hành cùng hội viên, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, như đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ; phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho phụ nữ, đòi hỏi chị em tiếp tục phát huy phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cach-mang-cong-nghiep-40--chia-khoa-de-phu-nu-khoi-nghiep-37444