Cách nào để ghìm cương giá vàng nhẫn tăng dữ dội?

Gần đây giá vàng nhẫn tăng dữ dội, liên tục lập đỉnh, phá kỷ lục lịch sử, làm cách nào để ngăn chặn đà tăng này?

Già vàng nhẫn đang gây kinh ngạc khi mỗi ngày lại lập một kỷ lục mới, đắt chưa từng có trong lịch sử. Từng thấp hơn giá vàng miếng đến hơn chục triệu đồng/lượng, đến nay giá vàng nhẫn đã bám rất sát, neo cao nhất ở mức 85,7 triệu đồng/lượng (giá bán), trong khi giá vàng miếng được bán ra ở mức 86 triệu đồng/lượng.

Đây là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, xô đổ mọi kỷ lục mà loại vàng này liên tiếp lập được trong những ngày trước đó.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng nhẫn tăng mạnh thời gian qua là do chịu tác động của giá thế giới và vì vàng miếng đang bị kiểm soát nên giá ổn định, còn vàng nhẫn "hứng" biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn rất lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm.

Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này đã diễn ra hơn 10 năm qua. Ngoài ra, việc cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây vàng lậu nên nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường rất khan hiếm.

"Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục lên cơn "sốt", tôi cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp", ông Hiếu dự đoán.

Để ghìm cương giá vàng nhẫn, theo ông Hiếu chỉ có cách cải thiện nguồn cung, nếu nguồn cung dồi dào thì sẽ kéo giá giảm. Điều này cần Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ lưỡng.

Chuyên gia cho rằng chỉ có tăng nguồn cung mới có thể kiềm chế được giá vàng nhẫn tăng liên tục. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Chuyên gia cho rằng chỉ có tăng nguồn cung mới có thể kiềm chế được giá vàng nhẫn tăng liên tục. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, phân tích: Giá vàng nhẫn trong nước đã tăng mạnh thời gian gần đây, chịu tác động từ cả yếu tố quốc tế và bối cảnh đầu tư trong nước.

Cụ thể, tình hình tại Trung Đông, nguy cơ về một cuộc chiến diện rộng giữa Israel và các quốc gia láng giềng, cùng cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đã tạo ra sự bất ổn trên toàn cầu. Điều này thúc đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce, đạt đỉnh cao mọi thời đại. Diễn biến này tạo áp lực lớn lên giá vàng trong nước, bao gồm cả vàng nhẫn và vàng miếng.

Ở thị trường trong nước, việc tiếp cận mua vàng miếng SJC hiện gặp khó khăn khiến người dân chuyển hướng sang mua vàng nhẫn, khiến nhu cầu tăng mạnh.

Cụ thể, hiện vàng miếng đang được Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp thông qua 4 ngân hàng và Công ty SJC nhằm bình ổn giá. Kết quả là giá đã được bình ổn, không còn chênh lệch "khủng" so với thế giới nhưng người dân lại khó mua hơn trước rất nhiều.

Không chỉ phải đăng ký trước, đáp ứng đủ những thủ tục phức tạp của ngân hàng mà người mua còn phải chờ nhiều ngày và bị giới hạn lượng mua. Trong khi đó, nếu mua trực tiếp thì chỉ có thể mua được ở Công ty SJC với số lượng cũng bị giới hạn, còn những doanh nghiệp khác thì từ lâu đã dừng bán vàng miếng vì hết hàng.

Theo ông Huy, thực trạng này đã khiến người dân có tâm lý chuyển sang mua vàng nhẫn, khiến nguồn cung ngày càng ít ỏi, đẩy giá vàng nhẫn nóng lên từng ngày. Không ít cửa hàng hiện cũng đã tạm dừng bán vàng nhẫn và chỉ mua vào để tăng nguồn cung.

Do đó, ông Huy cho rằng, một biện pháp để giảm sức "nóng" của vàng nhẫn đó là cần tăng cường cung ứng vàng miếng SJC trên thị trường, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Điều này sẽ giúp cân bằng cung-cầu giữa các loại vàng, giảm áp lực lên giá vàng nhẫn.

Ngoài ra, theo ông Huy, cần tuyên truyền thay đổi thói quen tích trữ của người Việt Nam. Khuyến khích người dân chuyển từ thói quen tích trữ vàng sang tư duy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mà còn giúp phân bổ lại dòng tiền nhàn rỗi vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Có nên tích trữ vàng nhẫn?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vàng nhẫn trơn trước đây được chuộng mua làm quà biếu, tặng nhưng nay nhiều người tìm mua để tích lũy tài sản. Vì mua để tích lũy chứ không phải "lướt sóng" nên nhiều người không lo mua ở đỉnh. Đặc biệt, việc có nhiều dự báo vàng giá thế giới chưa dứt đà tăng khiến người dân cho rằng giá vàng trong nước sẽ được hưởng lợi.

Theo ông, người dân không nên mua bán vàng với số lượng lớn trong giai đoạn này bởi diễn biến giá còn phức tạp, khó đoán. "Với người mua, nếu mua giá đang quá cao, khó tránh khỏi tâm lý hùa theo đám đông. Với người bán, vàng nhẫn đang khan hiếm nên có thể bây giờ bán ra nhưng sẽ khó mua vào sau này", ông nói.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người nào mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn.

"Mua vàng trong nước lúc này rất dễ "đu đỉnh" nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25 - 30% là mức hấp dẫn", ông Phương tư vấn.

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-nao-de-ghim-cuong-gia-vang-nhan-tang-du-doi-ar902570.html