Cách nào thu hút tín dụng xanh quốc tế?
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thu hút nguồn vốn quốc tế 'là con đường chắc chắn Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa', bởi dựa vào nguồn vốn trong nước là không đủ.
Cần 368 tỷ USD cho tăng trưởng xanh
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như giới phân tích, nhu cầu tài chính xanh, tín dụng xanh cho nền kinh tế nước ta hiện rất lớn. Ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022) cho thấy, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0; trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Đây là một con số rất lớn và khu vực công không thể đáp ứng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021 - 2050, nước t cần huy động thêm 144 tỷ USD ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tương đương với 2,2% GDP.
Nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, trong đó, nguồn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng nói. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã có các giao dịch tài chính xanh hỗ trợ các dự án ở Việt Nam. Riêng ADB cũng đã có một số khoản vay xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, có giao dịch được chứng nhận của bên thứ ba như Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bond Initiatives – CBI).
Theo Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty CP Tư vấn EY Việt NamVõ Quốc Khánh, gần đây, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, đã có những hoạt động tích cực trên các diễn đàn quốc tế cũng như kết nối với các định chế để thu hút nguồn vốn cho Việt Nam phát triển xanh.
Mới nhất, nhân dịp tham dự Hội nghị COP28 tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG); đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Thu hút nguồn vốn quốc tế “là con đường chắc chắn Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa”, ông Khánh bình luận. Bởi xu hướng quốc tế là sẽ tập trung nguồn lực cho chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, mà Việt Nam đều có các tiêu chí này.
Ban hành bộ tiêu chuẩn xanh quốc gia “sớm nhất có thể”
Nhu cầu rất lớn song liệu Việt Nam có thu hút được tín dụng xanh hay không? Theo ông Võ Quốc Khánh, thách thức trước tiên là Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều nước khác để thu hút tín dụng xanh quốc tế. Thứ nữa, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam gặp khó khăn do các quy định liên quan chưa đầy đủ. Về phía doanh nghiệp, để nhận được nguồn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế phải thể hiện được tính minh bạch, chứng minh dự án thực sự “xanh”, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Do đó, để thu hút được các nguồn tài chính xanh quốc tế, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, trong đó phải làm rõ tiêu chí để tiếp cận các khoản vay. Hiện, vẫn chưa có tiêu chuẩn xanh thống nhất trên toàn cầu, song “đây không phải là vấn đề cần đặt ra vì các nước đã đưa ra tiêu chuẩn xanh sẽ không dừng lại ở đó”. “Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần ban hành bộ tiêu chuẩn xanh sớm nhất có thể để định hướng cho toàn bộ nền kinh tế hướng đến mục tiêu xanh”, ông Võ Quốc Khánh đề xuất.
Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB lưu ý, Việt Nam cũng cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế, đi đôi với cơ chế khuyến khích rõ ràng để tạo động lực phát triển tài chính xanh như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh... Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn ưu đãi và nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh và tài chính xanh, từ đó góp phần phát triển thị trường tài chính xanh trong nước sâu rộng hơn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Phạm Thị Thanh Tùng đề xuất cân nhắc quy định về các khoản cho vay lại nhằm tạo lãi suất phù hợp khi chuyển đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng thể nhu cầu nguồn vốn, trên cơ sở đó xem xét, đánh giá nguồn lực còn thiếu và phải huy động của khối tư nhân nước ngoài có đáp ứng được chỉ tiêu 50% nợ quốc gia hay không (hiện là ngưỡng 45%). “Điều này cần được đánh giá rất kỹ để tham mưu Quốc hội và Chính phủ cho phù hợp”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh.