Cách người Đức dạy học sinh trưởng thành sau thất vọng

Nếu thất vọng xảy ra thường xuyên và không được giải tỏa, nó sẽ dẫn đến những hậu quả không hay cho tâm lý. Chính vì thế nhà trường Đức dạy các em rất kỹ, làm thế nào để vượt qua thất vọng, hoặc ít nhất giảm thiểu nó.

Cảm giác thất vọng là do hy vọng và trông chờ của một người không được đáp ứng, dẫn đến buồn bực cáu giận và khổ đau. Không một ai trên thế giới này không bị thất vọng, dù đó là một ông vua ở một đất nước giàu có hay một đứa trẻ mới biết nhận thức cuộc đời.

Nếu thất vọng xảy ra thường xuyên và không được giải tỏa, nó sẽ dẫn đến những hậu quả không hay cho tâm lý. Chính vì thế nhà trường Đức dạy các em rất kỹ, làm thế nào để vượt qua thất vọng, hoặc ít nhất giảm thiểu nó.

Chẳng hạn một học sinh sẽ rất thất vọng với bạn thân, nếu những gì em đã kể cho bạn đó bị tiết lộ dù bạn ấy đã hứa giữ kín. Có thể có những thất vọng với gia đình, với tình yêu, thậm chí thất vọng với một xã hội, một chế độ.

Thất vọng cũng có thể xảy ra với chính mình, vì họ hy vọng cao hơn thực tế và không đạt được. Người càng nhạy cảm, càng dễ thất vọng. Đó là sự hành hạ nội tâm dễ dẫn đến chán chường và hoài nghi tất cả.

Vượt qua tâm trạng này là điều không dễ và cũng không có một thần dược nào giúp được. Nhưng nhà trường Đức hướng dẫn học sinh thực hiện một số phương pháp hay, giúp các em định hình giá trị sống.

Chẳng hạn cô giáo nói rằng, người đang thất vọng hãy viết lại những cảm xúc bi đát vào một tờ giấy rồi mang ra chỗ vắng xé hoặc đốt đi. Đó cũng là một phương pháp để chôn vùi thất vọng. Độc thoại với chính mình cũng làm vơi bớt cái ấm ức do thất vọng gây ra…

Một nguyên tắc rất hay nữa là người ta chỉ nên đặt những hy vọng và trông chờ ở mức tối thiểu. Như vậy thất vọng nếu có sẽ không quá lớn.

Câu chuyện dưới đây kể về nỗi thất vọng của một cậu học trò mới yêu trong một giờ học môn Luân lý. Ai chả có một thời như thế!

MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI

(Lời tâm sự của cậu bé Stefan Mielchen, 14 tuổi, lớp 8)

Hồi đó tôi 14 tuổi khi lần đầu biết yêu. Em tên là Sabine, cũng 14 như tôi. Có lẽ em là cô gái đẹp nhất trên thế giới này. Tôi nhìn thấy em nhiều lần, vì chúng tôi học cùng một trường.

Điểm nổi bật của em là mái tóc vàng óng ả, nhưng tôi không có dũng cảm để làm quen. Đã nhiều lần tôi hạ quyết tâm liều mạng, nhưng không được. Có thể lúc đó tôi quá nhút nhát, không có kinh nghiệm, hay đơn giản chỉ là nỗi sợ nếu không thành thì bọn bạn bè nó cười cho. Đến bây giờ tôi không còn nhớ cái gì là nguyên nhân chính nữa.

Có lẽ em không biết tôi, bởi vì tôi chỉ là một cậu bé bình thường như rất nhiều những chàng trai mới lớn khác: dài ngoằng, gầy gò và có trứng cá trên mặt.

Tất nhiên trong số bọn con trai có một số đứa là hoa khôi của trường. Chúng nó đẹp trai, ăn mặc bảnh bao, miệng lúc nào cũng phì phèo thuốc lá và điều bọn con gái rất thích là đứa nào cũng có xe máy mofa. Khi liên hoan lớp, chúng nó rất được để ý. Bọn này khiêu vũ và thả lời bay bướm với đám con gái.

Những dịp như thế này, người ta chỉ để ý đến hình thức bên ngoài, còn chiều sâu nội tâm có ai thèm đoái hoài đến đâu!

Chủ yếu là người ta có cái gì đấy để khoe. Còn bọn chúng tôi trong những dịp như thế này chỉ ngồi chầu rìa buồn bã, nhìn từng đôi ôm chặt lấy nhau trên sàn nhảy nửa sáng nửa tối. Chúng tôi tự cảm thấy như thừa thãi.

Có một lần, khi tôi đang buồn bã, với tay lấy lon Coca trước mặt thì một người vỗ nhẹ vào vai và hỏi: "Chúng ta cùng nhảy chứ?“. Tôi cho là ai đó nói đùa, nhưng khi ngoái đầu nhìn lại tôi không thể tin vào mắt mình nữa: Sabine!

Tôi thực sự ngạc nhiên và không nói nổi một lời. Tôi theo em ra sàn nhảy. Điều gì sẽ xảy ra đây? Tôi chưa bao giờ nhảy điệu Blues nên không biết phải xử lý thế nào.

Thật sành điệu, em đã quàng tay lên cổ tôi và tôi đặt tay vào eo của nàng. Tôi dẫm chân nọ lên chân kia thật ngố. Khi điệu nhạc kết thúc, tôi chần chừ chưa muốn buông em ra, em mỉm cười với tôi rồi chúng tôi chia tay. Tôi cảm giác lúc đó thế nào ư?

Ồ không thể tả nổi, một cảm giác thật đột ngột, bàng hoàng cuốn hồn tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn trề vô bờ bến. Tại sao em lại mời chính tôi nhảy? Một lúc sau hoàn hồn, tôi tìm lại Sabine, nhưng em đã mất hút từ bao giờ. Tôi tự nhủ: Ngày mai sẽ hỏi em xem sao, em đã để ý đến mày rồi đấy. Hãy mạnh dạn hỏi xem em có muốn đi chơi với mày không!

Đêm hôm đó nằm trên giường mà tôi không thể nào chợp mắt được, vì lúc nào cũng nghĩ đến Sabine. Tôi cảm thấy mình là một gã khổng lồ tràn trề hạnh phúc. Nhưng cái thất vọng sáng hôm sau ập đến, tôi không thể tả nổi, khi thấy Sabine đi qua cổng trường, tay nắm tay một thằng học cùng khối.

Sự cáu giận của tôi trào lên, lần đầu tiên trong đời tôi ghen, mặc dù tôi có quyền gì đâu! Tôi mới chỉ nhảy với em duy nhất một lần. Tôi không thể tưởng tượng được, tình yêu đầu tiên lại cay đắng và phũ phàng đến thế!

Tôi thất vọng và trốn học mấy ngày liền. Lúc về đến nhà tôi mừng vì cả nhà đi vắng. Tôi gieo mình xuống giường, nơi hôm qua tôi không ngủ được vì em, vì cái mà tôi gọi là mối tình đầu. Tôi khóc nức nở. Đêm hôm đó tôi cũng không hề ngủ, nhưng lần này không phải là hồi hộp, mà là thất vọng…

Sau khi đọc xong câu chuyện, cô giáo nêu những câu hỏi để cả lớp thảo luận. Cô chỉ là người điều tiết để các em học sinh lớp 8 tự do nói ý kiến của mình:

1. Em hãy cho biết nguyên nhân của sự thất vọng này?

2. Ngày nay cậu bé kia đã trưởng thành. Cậu có suy nghĩ gì khi nhớ về kỷ niệm cũ?

3. „Ở tuổi niên thiếu, ai đã từng đương đầu với thất vọng và thất bại thì sau này vững vàng hơn khi phải chịu đựng thất vọng và thất bại mới“. Em hãy cho biết thất vọng ở lứa tuổi mới lớn thường là gì và câu nhận định trên có đúng không?

4. Trong thi đấu thể thao, vinh quang và thất vọng gần nhau trong gang tấc. Em hãy giải thích cho các bạn hiểu điều này và cho ví dụ!

5. Hãy so sánh thất vọng trong thể thao và thất vọng trong cuộc đời! Thất vọng nào nặng nề hơn, tại sao?

Tôi thích những giờ học như thế, vì các em góp phần tạo nên không khí chủ động, tạo nên sự trao đổi đa chiều chứ không phải nhận đáp án từ giáo viên. Qua trao đổi, cô giáo có thể sẽ nghe được những nhận xét mà chính cô cũng không ngờ tới và lớp học không còn đơn điệu.

Tôi thích câu nói của nhà tâm lý Ralf Kunke: "Người ta không thất vọng vì người khác không làm những gì mình mong đợi, mà nên thất vọng vì mình đã quá hy vọng ở người khác".

Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền(Berlin, Đức)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/cach-nguoi-duc-day-hoc-sinh-truong-thanh-sau-that-vong-647882.html