Cách phim Hàn tạo ra xác sống vượt qua Hollywood

'Train to Busan' (tên tiếng Việt là Chuyến tàu sinh tử) trở thành phim kinh dị hot nhất hè 2016 của Hàn Quốc. Không chỉ thế, trong mắt giới chuyên môn, phim còn vượt cả bom tấn Mỹ.

Zombie (xác sống) là khái niệm được sử dụng từ những năm đầu thế kỷ 19, miêu tả về phần xác của con người sau khi chết đi có thể cử động. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn mất đi não bộ, không còn bản năng của một người bình thường, mang theo mầm họa về bệnh tật. Trong phim kinh dị, xác sống có thể khiến người bình thường lây nhiêm bệnh chỉ với vết cắn hay cào cấu.

Trong ngành phim ảnh, khán giả sẽ nhớ về The Walking DeadWorld War Z (Brad Pitt đóng chính) mỗi lần nói tới xác sống. Train to Busan do phía Hàn Quốc thực hiện là phim mới nhất về đề tài này.

Train to Busan từng bị cho là bản Hàn của World War Z do Brad Pitt đóng chính.

Được chấm cao hơn cả phim của Brad Pitt

Khi đạo diễn Hàn Quốc Yeon Sang Ho công bố về dự án Train to Busan với đề tài tương tự, khán giả không hề để tâm. Điều này không phải chuyện lạ vì ngay từ kịch bản, phim đã bị so sánh với World War Z của các nhà làm phim Hollywood.

Thế chiến ZChuyến tàu sinh tử đều là câu chuyện về sự sinh tồn của thế giới sau khi một loại virus lạ xâm lấn biến con người trở thành những xác sống khát máu.

Và khi một tác phẩm Hollywood với sự tham gia của Brad Pitt và bên kia là phim Hàn do Gong Yoo đóng chính được đặt lên bàn cân so sánh - không một ai chọn Train to Busan.

Nhưng đến lúc này, sau gần 1 tháng ra mắt, Chuyến tàu sinh tử đã tạo ra điều kỳ diệu. Không thắng về mặt doanh thu do hệ thống rạp chiếu bó hẹp hơn, phim vượt qua đàn anh của Hollywood trong mắt các nhà phê bình và người xem.

Hàn Quốc tạo ra thế hệ xác sống mới và câu chuyện đầy tính nhân văn.

Hàn Quốc tạo ra thế hệ xác sống mới và câu chuyện đầy tính nhân văn.

Rotten Tomatoes chấm phim 96%, IMDB hiện đưa ra con số 7,8 điểm, Metacritic khá khó tính cũng duy trì mức 72%. Tại Trung Quốc, Douban xếp Train to Busan điểm 8/10. Trong khi đó, World War Z có điểm số tương ứng là 68% trên Rotten Tomatoes, IMDB chấm 7/10, Douban là 7,2/10, còn Metacritic đạt 63%.

Train to Busan đã thổi hồn vào đề tài phim tưởng như bão hòa trên thị trường phim ảnh. Những zombie trở nên sống động đáng ngạc nhiên”, EW đánh giá. Nofilm cho rằng từ dự đoán về loại phim hạng B, phim xứng đáng có tên trong top A+ về chất lượng.

Khi chiếu tại LHP Cannes, toàn bộ khán giả đã đứng dậy tán thưởng. Đạo diễn 37 tuổi cho thấy ông có thể hòa hợp hai yếu tố giá trị điện ảnh và thị hiếu. Đến lúc này, người ta tự hỏi bí quyết nào giúp Yeon làm được những điều tưởng như không thể?

"Những kẻ chết biết đi" được học vũ đạo

“Chúng tôi muốn tạo ra một bộ phim có tốc độ nhanh, các cảnh phim dồn dập nhưng tôi không muốn nó trở nên mất kiểm soát và phức tạp. Phim hành động hiện nay quá rườm rà, quá nhiều tình tiết thừa. Điều tôi ngắm đến là một kết cấu đơn giản”, đạo diễn Yeon nói về ý tưởng ban đầu của phim.

Điểm nhấn của phim là sự xuất hiện của những kẻ chết biết đi trên con tàu sau đại dịch virus. Số lượng của chúng ngày càng nhiều theo chiều dài 453 km từ Seoul tới Busan. Phía dưới đường ray như trở thành nơi sống của chúng.

Chúng điên cuồng, cơ thể đầy máu, cắn bất kỳ ai nhìn thấy, giẫm đạp lên nhau như kim tự tháp và chỉ sợ bóng tối. Một hình ảnh xác sống cơ quắp, gương mặt méo mó, chân tay như bị gãy vặn ngược khiến khán giả choáng váng.

Xác sống trong Train to Busan khác biệt, họ có bước đi giống hệt động tác trong nhảy hip-hop, máu me đầy mặt và vặn vẹo người.

Họ đã gọi những xác sống này là “zombie của Yeon”.

Khác với các dự án thường thấy về đề tài này, đoàn phim không sử dụng nhiều kỹ xảo hay chỉnh sửa vi tính trong các phân cảnh. Các diễn viên quần chúng vào vai xác sống được hóa trang kỹ và diễn thực.

“Chúng tôi đã thuê một nhóm nhảy đến đoàn phim để huấn luyện những zombie con người. Vũ đạo trong các động tác nhảy là điều cần thiết để diễn viên tạo ra bước di chuyển khác biệt, giống như bị bẻ gẫy khuỷu tay”, Yeon chia sẻ. Các diễn viên được yêu cầu thành thạo các động tác trong nhảy hip-hop trước khi trở thành zombie.

Không có anh hùng giải cứu thế giới

Không phủ nhận vai trò của xác sống khiến tất cả con người trên chuyến tàu rơi vào cuộc chiến sinh tử. Nhưng chúng chỉ như một nhân tố hóa học thổi bùng cá tính của mỗi con người.

Train to Busan khác với World War Z ở chỗ, Gong Yoo không phải là Brad Pitt, càng không đóng vai trò anh hùng của nhân loại trước đại dịch virus. Trong thảm họa, mỗi một con người đều phải tự cứu lấy bản thân mình.

Ở đó, tình người và cả cái xấu trong mỗi người mới dần lộ diện.

Nam chính Gong Yoo trở thành người cha dũng cảm bảo vệ con gái trong cuộc đối đầu với xác sống. Anh không phải là người hùng giải cứu con người như Brad Pitt.

Nam chính Gong Yoo trở thành người cha dũng cảm bảo vệ con gái trong cuộc đối đầu với xác sống. Anh không phải là người hùng giải cứu con người như Brad Pitt.

Một người cha lúc nào cũng lạnh lùng vì bận việc, ly thân với vợ, đã giành giật từng phút giây để giữ mạng sống cho con. Có lẽ cô bé Su An trong phim không thể hiểu được tình cha con nếu chuyến tàu đó êm đẹp.

Một kẻ là giám đốc quyền cao chức trọng, lời nói lịch thiệp, tưởng như đáng kính trọng lại trở nên đáng sợ trước cái chết. Khi càng cận kề đến địa điểm an toàn cũng là lúc số người sống sót càng ít, cuộc đấu tranh giữa chính những kẻ đang sống còn mạnh mẽ hơn lũ thây ma.

Không ít người cho rằng Train to Busan là phim kinh dị dành cho người châu Á có thể khiến các nhà làm phim Mỹ học hỏi khi trộn lẫn yếu tố kinh dị, xác sống và tính nhân văn. Một số hãng phim lớn Hollywood cũng bỏ tiền để mua bản quyền thực hiện lại.

“Chẳng ai có thể chắc chắn 100% phim của mình thành công ngay từ khi sản xuất. Không mấy người thích sự mới lạ, thử thách với cuộc thám hiểm mới trong phim ảnh. Nhưng tôi sẵn sàng, dù cho có thất bại, đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ”, đạo diễn phim chia sẻ lý do thay đổi cách làm phim.

Hiểu Nguyệt (Tổng hợp)
Ảnh: Train to Busan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cach-phim-han-tao-ra-xac-song-vuot-qua-hollywood-post673402.html