Cách tẩy trắng răng tại nhà hiệu quả
Bạn có thể có hàm răng trắng bóng bằng các phương pháp tẩy trắng răng tại nhà từ cau, chanh, than hoạt tính. Tuy nhiên, các chuyên gia nha khoa cũng khuyến cáo những biện pháp dân gian này chỉ có thể áp dụng với răng đổi màu nhẹ do thức ăn.
Các phương pháp dân gian
Bà Nguyễn Thị Châm (ở Hải Dương) cho biết, từ thời trẻ bà đã bắt chước các chị, các mẹ dùng quả cau ăn trầu để làm trắng răng. Quả cau tươi gọt vỏ xanh, bổ ra làm 6, bỏ hạt, lấy phần thịt cau để chà xát kỹ hàm răng sau khi ăn. Sau đó súc miệng lại bằng nước muối pha loãng. Làm thế vừa làm khoang miệng sạch thơm, sạch cao răng (nha chu) và hàm răng trắng bóng lên.
Cũng có người mỗi tuần làm 3 lần với cau tươi gọt bỏ phần vỏ xanh, lấy thịt cau nhai sau khi ăn 10-30 phút (hoặc nhai khi rảnh rỗi, lúc làm việc, đọc sách…) để làm sạch các mảng bám và cặn thức ăn giúp hàm răng sẽ trắng sáng.
Mùa cau rẻ, các bà các chị còn bổ cau đem phơi khô để khi hết mùa cau thì chà răng bằng cách lấy những miếng cau khô ngâm vào nước cho mềm rồi chà và súc miệng với nước muối loãng như với thịt cau tươi.
Bên cạnh quả cau, người ta còn tẩy trắng răng bằng quả chanh và than hoạt tính. Quả chanh tươi vắt nước cốt pha loãng với nước lọc để súc miệng mỗi sáng sau khi đánh răng. Hoặc vắt chanh, đặt hạt muối biển vào bàn chải đánh răng (loại mềm) rồi nhúng vào nước cốt chanh chà lên răng. Làm 2-3 lần/tuần để răng ngày càng sáng lên. Hoặc dùng vỏ chanh nghiền nhỏ, thêm bột nở, muối và một thìa nước sôi, trộn đều rồi đánh răng buổi tối thay kem đánh răng để hàm răng trắng sáng, hơi thở thơm mát. Cách dùng nữa là dùng vỏ chanh khô nghiền bột cho vào lọ để mỗi sáng lấy chút bột vỏ chanh khô trộn với nước đánh răng đánh kỹ và súc miệng lại để làm sạch răng.
Than hoạt tính cũng được dùng để tẩy trắng răng do nó có các nguyên tố carbon, kim loại kiềm và vụn cát bào mòn nhẹ và mềm hơn rất nhiều so với thuốc tẩy trắng răng thông thường. Chất kết dính của nó loại bỏ cả những mảng bám cứng trên răng dễ dàng. Chỉ cần nghiền than thành bột, trộn với nước sền sệt rồi lấy hỗn hợp đó vào bàn chải đánh răng 5 – 10 phút, nó sẽ hút hết chất bẩn trên răng. Mỗi tuần làm một lần sẽ trắng răng rõ rệt.
Muốn làm trắng răng ở nhà cần chăm sóc răng miệng đúng cách, chải răng sạch sau khi ăn, thường xuyên đến khám răng miệng để phát hiện kịp thời sâu răng và các vấn đề khác, hạn chế đồ ăn có màu.
Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Phú Hòa cũng khuyến cáo các phương pháp dân gian như dùng cau, than hoạt tính, chanh, muối… chỉ có tác dụng đối với những trường hợp răng đổi màu nhẹ do thức ăn.
Lưu ý khi tẩy trắng răng tại nhà
Lương y Phúc Toàn Anh (Hội Đông y Hà Nội) cũng chia sẻ rằng, những nguyên liệu dân gian dùng để tẩy trắng răng cần đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trước khi dùng cách tẩy trắng răng nào cũng cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá đúng tình trạng men răng, mức độ răng ố vàng. Trước khi tẩy răng cần lưu ý:
-Đánh răng sạch rồi hãy làm các cách tẩy trắng răng.
-Với quả cau làm trắng răng chỉ hiệu quả khi các răng khỏe, hàm răng không vấn đề về bệnh lý. Cũng chỉ nên dùng lực nhẹ khi chà xát để tránh làm tổn hại men răng, đau răng và nướu.
- Chanh chứa nhiều axit, dùng lâu dài có thể gây mòn men răng, khiến răng có thể ê buốt khi ăn uống. Chanh chỉ làm trắng răng cho những người bị vàng nhẹ, mảng bám trên răng ít. Còn những hàm răng bị xỉn, nhiễm màu lâu, ố vàng nghiêm trọng thì cần làm cách khác.
- Than hoạt tính nên mua tại các cửa hiệu thuốc để đảm bảo chất lượng.
- Cần làm sạch lại răng sau khi dùng cau, than, chanh… để cuốn sạch các xơ cau, chất bẩn. Cách tẩy trắng nào cũng chỉ là cách làm sạch cuối cùng để giúp men răng trắng, sáng.
- Răng miệng xuất hiện bất kỳ bệnh lý nào cũng cần điều trị triệt để rồi với làm trắng răng.
Theo TS.BS Nguyễn Phú Hòa, Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, trước khi tẩy trắng chúng ta cần phải hiểu được khái niệm và nguyên nhân răng nhiễm màu. Nhiễm màu là sự nhiễm các sắc tố vào trong mô cứng của răng làm thay đổi màu sắc bình thường của răng.
Nguyên nhân nhiễm màu có 2 loại chính là nhiễm màu nội sinh và ngoại sinh. Nhiễm màu nội sinh xảy ra ở các cấu trúc bên trong của răng, gọi là ngà răng, khi đó ngà răng bị đen hơn hoặc có màu vàng xám. Nhiễm màu ngoại sinh xảy ra ở bề mặt ngoài của răng, gọi là men răng, men bị nhiễm màu có các dạng từ dải trắng cho tới lốm đốm vàng hoặc có hố rãnh và các chấm màu nâu.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dep/cach-tay-trang-rang-tai-nha-hieu-qua-20171123082153038.htm