Cách tính chi phí tái chế còn nhiều bất cập

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, định mức tái chế hiện nay đang được để ở mức cao, có thể gây khó khăn và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bao bì được làm từ những loại vật liệu như giấy hỗn hợp, nhôm, đang được đề xuất định mức tái chế đầy đủ (Fs) cao gấp 4 – 5 lần trung bình của nhiều quốc gia khác là vấn đề được bà Phan Thị Bích Hạnh, Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nêu ra khi đóng góp ý kiến cho dự thảo về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Đồng quan điểm, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), nhìn nhận, mức Fs cao và chưa phù hợp với thực tế, từ đó có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và “không phù hợp với chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Thủ tướng Chính phủ”.

Lý giải về việc mức Fs cao hơn nhiều quốc gia khác, bà Hạnh nhận định, các tính Fs chưa tuân theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Như vậy, gánh nặng của nhà sản xuất, nhập khẩu bị tăng lên cao, thậm chí có thể phải đóng tiền để hỗ trợ cho cả những nhà tái chế đang có lãi.

Bên cạnh đó, mức phí quản lý hành chính 3% được đưa vào để tính Fs cũng được đánh giá là chưa phù hợp. Theo cộng đồng doanh nghiệp, mức 3% này có thể làm phát sinh thêm hàng trăm tỷ đồng, trong khi chi phí hành chính phục vụ quản lý, giảm sát và hỗ trợ thực hiện EPR được quy định lấy từ tiền lãi gửi ngân hàng của khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo Khoản 4, Điều 85, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Kiến nghị giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp khi thực thi công cụ thu gom, tái chế bắt buộc

Trước đó, 14 hiệp hội ngành hàng đã có văn bản kiến nghị về phương pháp tính Fs. Văn bản này chỉ ra, cách tính Fs đang dựa trên giá trị trung bình của 2 đề xuất, bao gồm đề xuất của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và đề xuất của Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Tuy nhiên, 2 đề xuất này có sự khác biệt rất lớn trong cách tính toán, chi phí cấu thành, do đó việc lấy giá trị trung bình là không đáng tin cậy. Các hiệp hội kiến nghị có thể xem xét thêm đề xuất mức Fs theo cách tính của Đại học Kinh tế quốc dân và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Tại hội thảo Góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng ban hành định mức chi phí tái chế, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, chi phí Fs ở các quốc gia không thể giống nhau do có sự khác biệt về công nghệ, chi phí lao động cũng như chi phí phân loại, thu gom.

Ông Hùng cho biết, Fs sẽ được tính toán sao cho đúng, đủ tất cả các chi phí hợp lệ và phải phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam. Do đó, những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Vụ Pháp chế tổng hợp, tiếp thu và sửa đổi các quy định một cách hợp lý nhất để đưa vào dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cach-tinh-chi-phi-tai-che-con-nhieu-bat-cap-1688015164472.htm