Cải cách hành chính - Khâu đột phá từ tầm nhìn và tư duy chiến lược

PTĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận kiệt xuất mà còn là 'kiến trúc sư' đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại của Nhà nước - nền hành chính của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Kỳ I: Lấy người dân làm trung tâm

Với phương pháp làm việc khoa học, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa UBND xã Hưng Long, huyện Yên Lập đã tạo được sự hài lòng của các tổ chức và công dân khi đến giao dịch.

Với phương pháp làm việc khoa học, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa UBND xã Hưng Long, huyện Yên Lập đã tạo được sự hài lòng của các tổ chức và công dân khi đến giao dịch.

PTĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận kiệt xuất mà còn là “kiến trúc sư” đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại của Nhà nước - nền hành chính của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tiếp thu tư tưởng của Người cũng như thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong bốn khâu đột phá để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Sau 5 năm đẩy mạnh thực hiện CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên toàn tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giản biên chế… đến nay đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực.

Mỗi ngày, UBND xã Hưng Long, huyện Yên Lập thường xuyên tiếp nhận hàng chục văn bản, kế hoạch từ cấp trên gửi về, trong đó có những kế hoạch liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và hoạt động của các đoàn thể địa phương... Ông Đinh Tiến Phú - Công chức tư pháp hộ tịch- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Hưng Long cho biết: Trước đây, để xử lý các thủ tục hành chính, chúng tôi phải mất nhiều thời gian với những công đoạn như, nhập sổ theo dõi, chuyển bộ phận văn phòng thống kê, trình lãnh đạo, chuyển bộ phận chuyên môn… nếu hôm nào lãnh đạo xã đi vắng thì phải đợi về mới xử lý được. Cách làm thủ công ấy không chỉ phức tạp trong việc phân loại, lưu trữ, mà còn tốn kém văn phòng phẩm. Hiện nay, mọi công việc đều được chuyển nhận qua hệ thống thư điện tử công vụ, xử lý thông tin nhanh thông qua phần mềm quản lý văn bản, tiết kiệm được thời gian, đảm bảo công việc được triển khai kịp thời, tránh thất lạc, cán bộ công chức có thêm điều kiện nghiên cứu tài liệu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Tiên phong xây dựng, thực hiện chính quyền điện tử để thay đổi từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, huyện Yên Lập đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng hiện đại với hệ thống máy tính trang bị đồng bộ, kết nối mạng Internet băng thông rộng đến cấp xã. Huyện tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử; lưu trữ văn bản đi, đến; quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan Nhà nước đã được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để xử lý, điều hành trong nội bộ đơn vị; tổ chức hoạt động Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo đúng quy định và ứng dụng chữ ký số để tiết kiệm thời gian, kinh phí giao dịch.Ông Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân. Việc triển khai chính quyền điện tử đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ CB,CC,VC. Đặc biệt, các ứng dụng dùng chung đã được triển khai sử dụng nhân rộng; trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử, hệ thống một cửa điện tử và các ứng dụng chuyên ngành được đẩy mạnh, phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, huyện Yên Lập đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp, bố trí nhân lực theo đúng vị trí đề án việc làm, thực hiện tinh giản bộ máy 10% theo định biên, đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức công vụ cho đội ngũ CB,CC,VC.

Cắt băng khánh thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa hiện đại huyện Lâm Thao

Cắt băng khánh thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa hiện đại huyện Lâm Thao

Chứng kiến cán bộ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, đăng ký kinh doanh, lao động thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường… với phong thái niềm nở, nhiệt tình, trách nhiệm, tạo được sự hài lòng của người dân, chúng tôi cảm nhận rõ nét nền hành chính phục vụ chính là đây. Anh Nguyễn Văn Tân ở khu Cả, xã Trung Sơn phấn khởi cho biết: “Sáng nay tôi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đăng ký xin cấp giấy phép kinh doanh, chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ các thủ tục đã xong, theo quy định thì sau 3 ngày đến nhận kết quả, nhưng tôi đăng ký trả kết quả qua bưu điện, không phải đi lại nhiều. Nhờ có CCHC mà mọi việc đều thuận lợi, thông tin minh bạch, không có hiện tượng phiền hà, sách nhiễu”.Không chỉ Yên Lập, đến nay 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện trong địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác cải cách TTHC, triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đặc biệt sau khi thực hiện Quyết định số 808/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh tiếp tục được đầu tư. Ở huyện Lâm Thao, kể từ tháng 9/2018, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện về việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành nhằm cắt giảm các văn bản giấy thông thường đã giúp việc xử lý công văn đi, đến chỉ mất vài giây nhấp chuột. Trước xu thế hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, đầu năm 2020 huyện đã cải tạo nhà làm việc một cửa của huyện, với diện tích sử dụng 180m2, tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ đồng. Đồng thời trang bị thêm các thiết bị công nghệ hiện đại như: Máy tính cấu hình cao, phần mềm tra cứu thủ tục hành chính, hệ thống lấy số tự động; niêm yết công khai 171 TTHC của 10 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và 2 đơn vị là Công an huyện, BHXH huyện. Tính riêng trong năm 2019, huyện đã tiếp nhận và giải quyết từ 12.000-14.000 hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đặc biệt, mới đây huyện Lâm Thao đã tổ chức khai trương Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại. Đây là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của huyện, mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Với hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại đồng bộ với hệ thống phần mềm mới, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa hiện đại sẽ tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân, triển khai các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Qua đó thúc đẩy thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công vụ, công việc giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với tổ chức, cá nhân, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.Đến nay trên toàn tỉnh, toàn bộ các TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều đã được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nhiều TTHC trong các lĩnh vực: Y tế, nội vụ, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, tư pháp… được cắt giảm về thời hạn, quy trình giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện các TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn- Phó trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ, để đánh giá xếp loại chỉ số CCHC đối với UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thời gian qua Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế đánh giá, xác định chỉ số CCHC; Bộ chỉ số xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị; Quy định đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Theo đó, hàng năm, 20/20 sở, ngành, 13/13 UBND cấp huyện, 5/5 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh… sẽ được đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động thông qua việc định lượng bằng điểm số. Nhờ vậy, đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đạt trên 80%. Các sở ngành, địa phương xếp thứ hạng cao trong thực hiện chỉ số CCHC là: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Yên Lập, Tam Nông, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ…Cải cách hành chính không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn tạo được niềm tin trong nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Kỳ II: Bước chuyển mới trong cải cách thủ tục hành chính.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202010/cai-cach-hanh-chinh-khau-dot-pha-tu-tam-nhin-va-tu-duy-chien-luoc-173276