Cải cách, kiến tạo để thực thi EVFTA

Tổ chức thực thi hiệp định của cơ quan quản lý nhà nước phải theo hướng cải cách, kiến tạo, minh bạch, công khai, thông thoáng và có độ tin cậy

Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). "Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi đối thoại về EVFTA và EVIPA tổ chức ngày 1-7 ở Hà Nội.

Doanh nghiệp nâng tầm

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như: mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp (DN) nhà nước và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, từ góc nhìn DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Việt Nam sẽ phải vượt qua không ít thách thức khi tham gia EVFTA. Theo ông Lộc, vì tính tự do và công bằng cao nhất đã đạt được trong hiệp định lần này nên cộng đồng DN Việt Nam càng phải chuyển mình mạnh hơn nữa để tham gia "cuộc chơi", đặc biệt DN nhỏ và vừa (NVV). Chủ tịch VCCI cho rằng chủ thể chính trong hiệp định là DN, Chính phủ, người dân hậu thuẫn cho DN. Tuy nhiên, để tham gia vào sân chơi với thị trường 500 triệu dân, sức chi trả lớn, chất lượng cao, chuẩn mức cao thì không có cách nào khác là DN Việt phải nâng tầm về chất lượng, quản trị, trách nhiệm xã hội. "DN phải trưởng thành và EVFTA sẽ khiến DN Việt phải lớn, phải quốc tế hóa được DNNVV. Chừng nào chưa quốc tế hóa được DNNVV thì hội nhập sẽ thất bại" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề buổi đối thoại, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) Nicolas Audier cũng nhìn nhận những thách thức mà DNNVV Việt Nam sẽ phải đối mặt là không nhỏ. Tuy nhiên, sẽ có nhiều cơ hội khi thị trường mở cửa, các DNNVV của EU cũng sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam, kết nối DN trong nước ở nhiều lĩnh vực. Ông Nicolas Audier cho rằng cần đơn giản hóa các thủ tục của hiệp định cũng như chính sách của Chính phủ để các DNNVV trong nước có thể tham gia sâu rộng vào thị trường, hưởng lợi rõ nét từ các điều khoản mà EVFTA mang lại. "28 quốc gia ở EU đã và đang mang tới Việt Nam những dự án với sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu để hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam. Có thể kể đến các nước như: Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Đây sẽ là lực đẩy đưa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, thúc đẩy cho DNNVV trong nước phát triển" - ông Nicolas Audier nói.

Tuy nhiên, dù DN châu Âu đang tìm kiếm những đối tác đến từ châu Á trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều nơi, DN Việt muốn làm bạn với những "ông lớn" thuộc thị trường khó tính này cũng không dễ dàng. Ông Nicolas Audier nhắc tới điều quan trọng trên hết là DN Việt cần nâng cao năng lực của mình.

Trước khuyến cáo của Chủ tịch EuroCham, ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh việc nâng cấp trình độ DN, đặc biệt về quản trị là yêu cầu cấp thiết. Chủ tịch VCCI dẫn chứng có khoảng 70%-80% DN FDI muốn tìm giám đốc điều hành ở Việt Nam nhưng không tìm được, điều đó cho thấy chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, năng lực về quản trị DN. "Đó là chưa nói đến các DNNVV, các hộ kinh tế gia đình đang chiếm tỉ lệ rất lớn ở Việt Nam" - ông Lộc băn khoăn.

EVFTA và EVIPA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân một công ty thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng đang chế biến tôm khô xuất khẩu. Ảnh: NGỌC TRINH

EVFTA và EVIPA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân một công ty thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng đang chế biến tôm khô xuất khẩu. Ảnh: NGỌC TRINH

Phải thoáng về thể chế

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ... là cơ sở để Việt Nam tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang thay đổi nhanh trong thời công nghệ 4.0.

Người đứng đầu ngành công thương cũng kỳ vọng EVFTA đưa vào càng sớm thì hiệu quả càng cao cho DN và người dân. "Công tác tổ chức thực thi hiệp định của cơ quan quản lý nhà nước phải theo hướng cải cách, kiến tạo, minh bạch, công khai, thông thoáng và có độ tin cậy" - ông Trần Tuấn Anh nói.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đề cập nội dung quan trọng là thể chế. Theo ông, EVFTA vừa là áp lực vừa là động lực để cải cách thể chế, nhờ đó DN sẽ phát triển lành mạnh, đặc biệt đối với DNNVV. "Thị trường đã mở thì thể chế phải thoáng mới tạo điều kiện cho DN. Thị trường mở mà cơ chế vẫn trói buộc thì DN vẫn "chết". Thông về thủ tục thì phải thoáng về thể chế" - ông Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lộc chỉ ra các thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi tham gia EVFTA. Trước hết là vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta hiện nhập nguyên liệu từ ASEAN, Trung Quốc. Bên cạnh đó là các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ; những vấn đề này cần có sự hỗ trợ từ EU cho DN Việt Nam để khắc phục, đáp ứng yêu cầu khắt khe.

Bài và ảnh: Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cai-cach-kien-tao-de-thuc-thi-evfta-20190701223125849.htm