Cải cách lao động và FTA - đòn bẩy cho lĩnh vực việc làm của Ấn Độ
Ấn Độ chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và chiếm 17% dân số thế giới. Song chỉ 22% trong số những người độ tuổi 25 - 64 tuổi đạt trình độ trung học phổ thông trở lên, và chỉ 12% có trình độ đại học. Do đó, cải cách lao động trở thành nhiệm vụ quan trọng trong việc cải thiện lực lượng lao động, nhất là khi Ấn Độ đang sở hữu một lực lượng lao động trẻ lớn nhất thế giới.
Phát huy lợi thế của lực lượng lao động trẻ nhất thế giới
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,43 tỷ người, điều có ý nghĩa lớn đối với lực lượng lao động thế giới. Theo ước tính, đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 1 tỷ người trong độ tuổi lao động, nghĩa là khoảng 1/4 lực lượng lao động gia tăng của thế giới trong thập kỷ tới sẽ đến từ Ấn Độ. Các chuyên gia nhân sự cho rằng, sự tăng trưởng đó là tín hiệu tốt cho các công ty muốn tiến hành kinh doanh ở Ấn Độ.
Hiện tại, nhiều công ty lớn trên thế giới, bao gồm Amazon và Apple, đã phát triển các trung tâm nghiên cứu và công nghệ lớn ở Ấn Độ để hưởng lợi từ nguồn nhân tài công nghệ khổng lồ của đất nước. Tuy nhiên, từ góc độ nền kinh tế Ấn Độ, tình hình đang đầy thách thức vì hiện tại không có đủ việc làm cho toàn bộ dân số trong độ tuổi lao động.
Không giống như các quốc gia phát triển khác, Ấn Độ có tỷ lệ dân số rất trẻ, với độ tuổi trung bình khoảng 29. So sánh, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc và Mỹ là khoảng 38, và độ tuổi này đã già đi. Đây là cơ hội giúp Ấn Độ hưởng lợi, theo các nhà phân tích gọi là "lợi tức nhân khẩu học", xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn vì có nhiều người trong độ tuổi lao động hơn người phụ thuộc, bao gồm cả trẻ nhỏ và người già.
Tuy nhiên, Ấn Độ phải đối mặt với một trở ngại lớn trên con đường hưởng lợi từ dân số trong độ tuổi lao động là nhiều người không thuộc lực lượng lao động. Chỉ có khoảng một nửa số người đủ tuổi lao động đang làm việc hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm, một thước đo được gọi là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trung bình toàn cầu là 65%, trong khi của Trung Quốc là 76%.
Thúc đẩy cải cách lao động
Mặc dù sở hữu nguồn lực lao động dồi dào, nhưng trình độ học vấn giữa các độ tuổi lại không đồng đều. Dữ liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, tỷ lệ biết chữ ở Ấn Độ năm 2018 đứng ở mức 74%. Dù đó không phải là con số đáng báo động nhưng chất lượng giáo dục của Ấn Độ vẫn còn yếu.
Ấn Độ là quốc gia có nhiều lao động tay nghề thấp nhất thế giới. Lợi thế vốn có của Ấn Độ nằm ở các sản phẩm sử dụng nhiều lao động có tay nghề thấp. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là việc sản xuất các sản phẩm như vậy trong nước đang bị đe dọa bởi cạnh tranh nhập khẩu. Điều này đã được thể hiện rõ qua việc tăng thuế nhập khẩu gần đây đối với nhiều mặt hàng sử dụng nhiều lao động.
Các phương pháp sản xuất hiện đại dựa vào sự phân tán sản xuất và gia công ở nước ngoài, tạo cơ hội xuất khẩu các sản phẩm trung gian thâm dụng lao động, qua đó có thể tạo thêm việc làm. Song, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP của Ấn Độ đã trì trệ ở mức khoảng 20% trong thập kỷ qua. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng lên 22,4% vào năm 2023, nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 25,4% năm 2013. Việc Ấn Độ không có khả năng mở rộng xuất khẩu là một hạn chế trong việc tạo việc làm, trong khi dân số trẻ đang tăng nhanh ở nước này.
Mặc dù Ấn Độ đã đạt được mức tăng trưởng xấp xỉ 8% hoặc cao hơn trong 10 năm không liên tiếp từ 2003 - 2022, nhưng hiệu quả tạo việc làm của nước này lại gây thất vọng. Với trình độ học vấn trung bình thấp, người dân chỉ có thể chuyển sang những công việc tốt hơn bằng cách mở rộng khu vực sản xuất chính thức, sử dụng nhiều lao động. Trình độ học vấn trung bình quá thấp sẽ giảm cơ hội làm các công việc trong lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như trong các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và dịch vụ kinh doanh, những lĩnh vực có thể hấp thụ được “lợi tức nhân khẩu học”.
Do thu nhập trung bình trong khu vực nông nghiệp và thành thị phi chính thức của Ấn Độ tương đối thấp nên người dân không thể có được những công việc tốt và cần thiết. Dữ liệu từ Cơ quan cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) cho thấy, thu nhập nông nghiệp trung bình là 33 - 40% thu nhập bình quân đầu người và mức lương phi chính thức trung bình ở thành thị là 1/6 mức lương sản xuất chính thức. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn trì trệ ở mức dưới 15%.
Trong khi đó, một hạn chế trong sản lượng sản xuất, xuất khẩu và việc làm của Ấn Độ là đi theo chủ nghĩa trọng thương. Chiến lược trọng thương nhằm theo đuổi khuyến khích xuất khẩu và thay thế nhập khẩu cùng một lúc là không khả thi theo định lý đối xứng Lerner, trong đó nêu rõ rằng thuế xuất khẩu có thể ngang bằng với thuế nhập khẩu. Hơn nữa, rào cản nhập khẩu bằng cách giảm nhu cầu ngoại hối, có thể dẫn đến đồng nội tệ được định giá quá cao và khiến hàng xuất khẩu của Ấn Độ trở nên đắt hơn ở nước ngoài. Khuyến khích thay thế nhập khẩu cũng có thể chuyển nguồn lực từ xuất khẩu sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh nhập khẩu.
Việc thúc đẩy thay thế nhập khẩu đã gây ra những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực. Thuế nhập khẩu ngày càng tăng của Ấn Độ đối với các bộ phận và linh kiện điện tử đã gây tổn hại đến hoạt động lắp ráp và xử lý đầu vào. Với mức thuế 60 - 125% đối với ô tô đã khiến ngành này trở nên kém hiệu quả và kém cạnh tranh, dẫn đến một cơ hội khác bị bỏ lỡ trong lĩnh vực lắp ráp ô tô sử dụng nhiều lao động.
Để có thể tận dụng được những ưu thế về nguồn lao động, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện một loạt cải cách, như việc cho phép nhà máy sản xuất Apple được kích hoạt sản xuất 2 ca, tối đa hóa sản lượng của nhà máy. Trước đây, bang Karnataka đã đặt giới hạn 9 tiếng cho ca làm việc của công nhân. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nới lỏng các hạn chế công việc ca đêm đối với phụ nữ, những người chiếm phần lớn dây chuyền sản xuất ở các quốc gia khác.
Những cải cách lao động gần đây của Ấn Độ, cùng với môi trường địa chính trị thuận lợi, cho thấy nước này đang thực hiện các bước đi đúng hướng. Việc thành lập các khu kinh tế tự trị với các quy định lao động thoải mái hơn cũng có thể là một cải cách sâu hơn nhằm thúc đẩy việc làm.
Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hay lệnh phong tỏa kéo dài vì đại dịch Covid-19 đã mang đến cho Ấn Độ cơ hội trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, thuế đầu vào cao đã dẫn đến “đảo ngược thuế quan” - trong đó hàng nhập khẩu đầu vào phải chịu mức thuế cao hơn so với hàng nhập khẩu cuối cùng. Dù tình trạng này đã gây ra nhiều vấn đề, nhưng việc đảo ngược thuế quan đã giảm nhẹ là một dấu hiệu đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ấn Độ đã bắt đầu ký kết các hiệp định thương mại tự do mới với Australia. Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế Ấn Độ - Australia sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất Ấn Độ những đầu vào rẻ hơn, chẳng hạn như bông thô và nhôm, được sử dụng trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Hiệp định thương mại đã loại bỏ thuế quan đối với hơn 85% hàng xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa trong các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp và thực phẩm, tài nguyên và năng lượng, y tế và giáo dục đại học.
Thêm vào đó, 1/5 dân số trong độ tuổi lao động của thế giới sẽ đến từ Ấn Độ vào năm 2025. Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục của Australia đang tìm kiếm cơ hội để đào tạo kỹ năng cho dân số ngày càng tăng của Ấn Độ. Các tổ chức của Ấn Độ đang tìm kiếm những cách thức mới để hợp tác với Australia thông qua việc công nhận các bằng cấp của Australia cũng như các chương trình và bằng cấp đại học kết hợp, trực tuyến và liên kết.
Nhìn chung, đây là cơ hội cũng như tăng khả năng cạnh tranh với các nước có thị trường lao động linh hoạt hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn và trình độ giáo dục cao hơn. Sự cạnh tranh này sẽ tạo áp lực buộc Ấn Độ phải thực hiện cải cách toàn diện trong nước.