Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính đất đai

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài chính đất đai nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu được đề ra tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển khai Nghị quyết 43/NQ-CP, thời gian qua Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai

Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, liên quan đến tài chính đất đai khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Để hướng dẫn thực hiện các chính sách tài chính đất đai do Chính phủ quy định; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 (hướng dẫn Nghị định số 45/2014/NĐ-CP), Thông tư số 77/2014/TT-BTC (hướng dẫn Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2014.

Các Nghị định và Thông tư này đã bám sát các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và kế thừa các quy định, chính sách ban hành thời gian qua đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đúng đắn, không vướng mắc; đồng thời, nghiên cứu bổ sung một số quy định mới nhằm cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, thời gian làm thủ tục của người sử dụng đất trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai được giảm xuống. Người sử dụng đất chỉ phải một lần đến nộp hồ sơ ban đầu xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ (Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tài nguyên môi trường) và không phải thực hiện khai nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến đất đai tại các cơ quan chuyên ngành như trước đây. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Trong vòng từ 3-5 ngày nhận đủ hồ sơ từ cơ quan có liên quan theo quy trình quy định, cơ quan thuế phải xác định và ban hành thông báo về các khoản nghĩa vụ tài chính, gửi cho người sử dụng đất được biết để đến Kho bạc nhà nước nộp tiền theo quy định.

Mở rộng phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất

Để rút ngắn thời gian xác định giá đất tính các khoản nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước cũng như giảm chi phí vật chất cho xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất so với hiện hành để xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng cho từng khu vực, tuyến đường dựa trên tình hình thị trường, điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của địa phương và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, công bố công khai hàng năm. Đồng thời, tại Thông tư hướng dẫn cũng quy định rõ các địa phương phải ban hành cụ thể hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ (%) giá đất tính thu tiền thuê đất; không ban hành “khung”. Do đó, không thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực, cơ chế “xin - cho” trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai.

Đối với thủ tục và mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đơn giản hóa, quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, không yêu cầu người sử dụng đất phải nộp bổ sung hồ sơ, giấy tờ mà các cơ quan nhà nước đang có hoặc lưu trữ.

Cùng với các quy định theo hướng giảm nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân so với quy định hiện hành thì với việc mở rộng phạm vi sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất sẽ góp phần quan trọng trong việc rút ngắn thời gian xác định nghĩa vụ tài chính, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận, đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện. Đối với hộ gia đình, cá nhân do có khó khăn về tài chính thì có đơn là được ghi nợ tiền sử dụng đất, nếu thanh toán nợ trước hạn sẽ được Nhà nước hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.

Trong tổ chức thực hiện, đã quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan có liên quan, nhất là cơ quan trong ngành tài chính. Sau khi nhận được phiếu chuyển thông tin địa chính của cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan thuế có trách nhiệm xác định và thông báo số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà người sử dụng đất phải nộp khi được giao đất, cho thuê đất cũng như đến khi điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định. Cơ quan tài chính có trách nhiệm xác định các khoản mà người sử dụng đất được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, như: tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng tự nguyện ứng trước theo quy định của pháp luật; tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… để chuyển cho cơ quan thuế ra thông báo số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Rút ngắn thời gian luân chuyển, xử lý hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai

Ngoài ra, theo phân công của Chính phủ tại điểm e khoản 1 Điều 21 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất và điểm 6 Điều 28 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ và trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Theo đó, dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, liên thông bảo đảm tạo thuận lợi cho người sử dụng đất, nhà đầu tư; rút ngắn thời gian luân chuyển, xử lý hồ sơ tại mỗi khâu; ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan (tài nguyên môi trường, thuế, tài chính, kho bạc nhà nước).

Trong thời gian chưa ban hành Thông tư liên tịch, để kịp thời triển khai thực hiện việc xác định và thu nộp nghĩa vụ tài chính khi giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai năm 2013, sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đã có Công văn số 15286/BTC-QLCS ngày 23/10/2014 hướng dẫn tạm thời về trình tự, thủ tục, luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Theo đó, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian xác định giá đất cụ thể và nghĩa vụ tài chính đất đai của người sử dụng đất; tại Công văn số 15286/BTC-QLCS đã hướng dẫn:

Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường (cơ quan tiếp nhận hồ sơ).

Căn cứ vào hồ sơ do người sử dụng đất đã nộp, cơ quan tiếp nhận hồ sơ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất, cho thuê mặt nước, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc chấp thuận đăng ký biến động đất đai. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan xác định vị trí và giá trị của thửa đất hoặc khu đất cần phải xác định nghĩa vụ tài chính để phân loại, làm cơ sở áp dụng các phương pháp xác định giá đất phù hợp theo đúng quy định.

Đối với trường hợp phải xác định giá đất cụ thể để tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai theo 04 phương pháp: so sánh trực tiếp, thu nhập, chiết trừ, thặng dư; cơ quan tài nguyên và môi trường tự tổ chức thực hiện (hoặc thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để thực hiện) và có văn bản đề xuất phương án giá đất gửi cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh. Căn cứ đề nghị của cơ quan tài nguyên và môi trường về thẩm định phương án giá đất, cơ quan tài chính (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất) báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của địa phương tổ chức thẩm định giá đất. Trên cơ sở kết quả thẩm định giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất, để đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cơ quan tài chính (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quyết định phê duyệt giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được gửi đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất.

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai do Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuyển đến và văn bản xác định của cơ quan tài chính về các khoản được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có), Cơ quan thuế xác định và ban hành Thông báo tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nghĩa vụ khác liên quan đến đất đai của người sử dụng đất.

Theo mof.gov.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/binh-luan-chinh-sach/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-tai-chinh-dat-dai-101351.html