Cải cách tiền lương cần tư duy đột phá

Cải cách tiền lương đối với khu vực công là động lực chuyển hóa đội ngũ cán bộ, công chức để thực sự là những công bộc có tâm, có tài vận hành nền công vụ hoạt động hiệu quả, hiệu lực

Cải cách tiền lương (CCTL) thì ai cũng đồng tình, nhất trí. Vấn đề ở đây là những nội dung thiết kế các thang, bảng lương có phản ánh đúng, đầy đủ tinh thần các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu hay không.

Khiếm khuyết trong chính sách tiền lương hiện hữu

Có thể chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách tiền lương hiện hữu. Đó là thang lương chưa thể hiện rõ sự công bằng trong đãi ngộ lao động, ít khuyến khích tài năng, ít đột xuất, thường cứ "đến hẹn lại lên". Điều này góp phần làm cho chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ nhân tài lâu nay thực hiện rất kém. Sau khi gia nhập WTO, rất thiếu các chuyên gia giỏi và thợ lành nghề. Do đó, cần phải điều chỉnh những đánh giá về thang giá trị.

Tiếp đó, chế độ lương không phản ánh tương xứng mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội chia cho đầu người. Từ năm 1995, GDP là 289 USD/năm/người, năm 2009 GDP là 1.028 USD/năm/người, trong khi đó GDP năm 2017 ước tính 2.400 USD/năm/người. So với lộ trình tăng lương lâu nay, của cải làm ra của toàn xã hội chưa được phân phối lại thỏa đáng cho những người trực tiếp và gián tiếp làm ra của cải ấy. Nói cách khác, chưa có một tỉ lệ phân bổ các nhu cầu một cách hợp lý để tái sản xuất sức lao động, nếu coi đầu tư cho lương là đầu tư cho phát triển.

Ngoài ra, tuyệt đại đa số những người ăn lương nhà nước không ai có thể sống bằng lương. Đó là nguy cơ đẻ ra các hệ lụy như nhũng nhiễu, "làm khó để ló ra tiền", "tham ô tập thể"...

Cuối cùng là việc thiết kế thang, bảng lương lâu nay hình như chưa thoát khỏi tư duy cũ, bộ máy làm chế độ lương do những người không sống thật bằng lương điều hành hay chí ít là đề xuất.

Tiền lương phải là một động lực chủ yếu để công chức tận tụy với công vụ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Lương phải gắn với công việc

Để thực hiện hiệu quả CCTL, chính sách tiền lương phải gắn liền với công việc được giao và mức độ hoàn thành công việc. Muốn vậy, nền hành chính phải thiết kế cho được bảng mô tả cho từng vị trí việc làm, dựa vào đó mà đặt mức lương cho từng vị trí và thi cạnh tranh vào các vị trí. Vị trí việc làm là biện pháp quản trị nhân lực, giúp nhà quản lý xác định tính chất, quy trình thực hiện công việc và các yêu cầu đối với người thực hiện công việc để từ đó xác định số lượng, chất lượng nhân lực cần và đủ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các giải pháp tài chính, ngân sách, nhiệm vụ và giải pháp thực chất là cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước hướng tới việc bố trí chi hợp lý, tiết kiệm hơn để có nguồn cho CCTL. Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, dành một phần hợp lý tăng thu cho CCTL.

Ngoài ra, CCTL phải gắn chặt với việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Thực tế cho thấy tình trạng biên chế hiện nay khó CCTL do khối công chức (khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức).

Ngoài nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, đề án cần bổ sung thực hiện "tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương" sẽ chấm dứt được các loại tiêu chuẩn đặc quyền, đặc lợi của một nhóm quan chức. Bảo đảm tương quan hợp lý của hệ thống thang bậc lương sẽ làm cho bộ phận đông đảo cán bộ công chức, viên chức yên tâm dồn hết tâm trí nâng cao trình độ chuyên môn, đi đúng quy luật "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Phải xây dựng lại kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tránh nể nang… thì mới có thể thực hiện được việc cắt giảm, tinh giản, sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Diệp Văn Sơn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cai-cach-tien-luong-can-tu-duy-dot-pha-20180507210215012.htm