Cái tâm của người thầy

Lên lớp 9, tôi học toán thầy Tâm. Thầy dạy hay, phóng khoáng nhưng tính rất nghiêm. Thường ngày, tôi ỷ mình học giỏi nên tới lớp hay giở trò quậy phá, trêu chọc các bạn cùng lớp.Thầy cô các bộ môn khác thương tôi nên chỉ rầy có lệ, có khi cho qua. Thầy Tâm thì không. Kệ cái thành tích học tập giỏi giang của tôi, thầy phạt sát rạt, mấy lần đuổi tôi ra khỏi lớp. Quen thói được nuông chiều, tôi vẫn chứng nào tật ấy. Quá bực, thầy Tâm báo cáo lên Hiệu trưởng, đề nghị đuổi học tôi 3 ngày, viết giấy mời phụ huynh đến trường làm việc, xong mới cho học lại. Thầy không ngần ngại bảo thẳng tôi: 'Em có tài nhưng không rèn đức thì sớm muộn cũng thành… đồ bỏ!'.

Ảnh minh họa

Câu nói của thầy đụng ngay tới cái bản ngã (tự kiêu), khiến tôi thấy tổn thương ghê gớm. Trước giờ, tôi chưa từng nghe ai tiên đoán mình sẽ thành “đồ bỏ”. Ừ, kể thì tôi cũng có… nghịch ngợm tí ti nhưng chuyện có gì ghê gớm đâu. Tôi học giỏi, thầy cô thương, tôi cũng phải có chút “đặc quyền” chứ? Thầy Tâm quả là không biết lý lẽ, là… hắc ám, hẹp hòi ích kỷ, chuyên trù dập học sinh (!). Trong suy nghĩ, tôi cố tìm đủ mọi thứ tính khí tệ hại để gán cho thầy Tâm.

Từ bữa đó, dù đã “co vòi” chuyện quậy phá (do bị cha mẹ mắng một trận) nhưng tôi bắt đầu thấy ghét thầy Tâm!

Ngược lại, thầy vẫn tỉnh bơ, xem như không có chuyện gì xảy ra. Thầy dạy dỗ, cư xử bình thường như không hề biết chuyện bị tôi ác cảm. Tôi nghĩ bụng: “Có dịp, thể nào ổng không “trù” mình tiếp…”. May thay, cái “dịp” mà tôi lo ngay ngáy kia hình như chưa kịp đến thì đã hết năm. Chúng tôi tập trung ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp.

Vào thi môn Toán, tôi rất tự tin bởi tôi vốn là học sinh giỏi toán. Gì chớ đề thi chuyển cấp với tôi chắc chắn là “chuyện nhỏ”. Dự đoán của tôi gần đúng. Phần đại số giản đơn, tôi “xử” xong cái rẹt.

Tới phần hình học bỗng dưng đổ chuyện. Bài toán về tam giác, 2 câu chứng minh 1 câu quỹ tích. Toán thi chuyển cấp không ngờ lại khó đến thế. Vô cùng phức tạp, hệt đề thi học sinh giỏi. Tôi hì hục giải, toát mồ hôi mới xong được 2 câu chứng minh. Câu quỹ tích thì bó tay mặc dù ở trường tôi vốn là “vua” toán quỹ tích! Kẻng báo hết giờ, ông bạn thi ngồi cạnh (từ đầu chí cuối không ngớt liếc bài tôi) mới phán: “Mày lộn đề rồi”. “Lộn sao?”-tôi hỏi mà nghe mồ hôi dầm dề ướt lưng. “Đề cho tam giác vuông, không phải tam giác thường”. Trời hỡi, giờ thì tôi mới hiểu tại sao chứng minh lại khó đến vậy. Còn nữa, tam giác vuông vẽ thành tam giác thường thì tìm sao cho ra quỹ tích? Tự trách cái tính ỷ y, không đọc kỹ đề cũng đã muộn, mang bài đi nộp mà lòng tôi tê tái. Nguyên bài toán hình vậy chắc chắn là “đi đứt”; tiếng học sinh giỏi toán mà giải đề thi chuyển cấp toán không trôi, nhục chưa?

Vậy nhưng, kết quả kỳ thi năm đó điểm toán tôi lên đến 9,5! Tôi vừa mừng vừa run bởi không hiểu sao có chuyện lạ lùng dường ấy. Bình tĩnh suy nghĩ mãi, tôi mới dần đoán ra cớ sự: Chắc chắn ông thầy chấm thi đã thấy cách giải của tôi nơi 2 câu chứng minh quá hay (không cần sử dụng dữ kiện “tam giác vuông” mà vẫn chứng minh xong) nên đã “liều mình” tranh đấu với hội đồng thi về trường hợp đặc biệt của tôi; cái trường hợp mà nếu gặp một ông thầy máy móc, chỉ căn cứ đáp án mẫu để chấm thì chắc chắn là tôi “lãnh đủ”. Vậy nhưng, ai là người thầy “cứu tinh” cho tôi. Ai có thể nhiệt tình với tôi đến mức này?

Cho đến một ngày tình cờ, tôi được biết: Thầy Tâm cũng được cử đi chấm bài thi năm đó. Bài thi rọc phách nhưng chắc chắn thầy không khó khăn gì để nhận ra nét chữ của tôi. Trực giác mách bảo tôi rằng: Không ai khác, chính thầy là người đã cứu tôi một “bàn thua trông thấy”! Phút chốc, mọi ấn tượng tiêu cực trong tôi về thầy bỗng dưng không cánh mà bay. Tôi thấy mình thật ngu ngốc, ấu trĩ vì đã từng suy nghĩ bất kính về thầy.

Y Nguyên

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/201711/cai-tam-cua-nguoi-thay-5557235/