Cải tạo vườn mận sau thu hoạch

Xã Na Hối là 'thủ phủ' của vùng mận Tam hoa ở 'cao nguyên trắng' Bắc Hà với gần 200 ha mận, trong đó gần 90 ha đã cho thu hoạch. Mận Tam hoa Na Hối được xếp vào tốp vùng mận ngon nhất huyện Bắc Hà. Vụ mận 2020 của xã đã kết thúc với năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, người trồng mận bắt tay vào giai đoạn đốn tỉa, tạo tán, đây là giai đoạn quyết định chất lượng quả mận Tam hoa những vụ tới.

Sáng sớm khi mặt trời còn chưa nhô lên khỏi đỉnh núi, anh Vàng Văn Phúc (thôn Na Hối Tày) cùng vợ đã cầm dao ra khu vườn trước nhà. Vườn mận hơn 15 năm tuổi nhưng vẫn cho những quả to, ngọt thanh. Vụ vừa qua, mận của gia đình anh Phúc có giá bán khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn nhiều hộ khác. Anh Phúc chia sẻ: Kinh nghiệm để cây mận cho quả chất lượng là sau mỗi vụ thu hoạch phải đốn tỉa, chặt bớt cành để vườn mận thông thoáng, đón ánh nắng mặt trời. Yếu tố này quyết định đến vị ngọt của quả mận.

Khi mận đến mùa kết trái, anh Phúc sẽ tỉa bớt quả trên cành để mận ra quả to. Gia đình anh có 120 cây mận Tam hoa, mỗi năm thu hoạch 2 - 3 tấn quả, thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm. Nguồn thu từ trồng mận Tam hoa giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định, trở thành hộ có kinh tế khá của xã Na Hối.

Người dân kiểm tra vườn mận trước khi đốn tỉa.

Người dân kiểm tra vườn mận trước khi đốn tỉa.

Gia đình ông Trần Văn Vân (thôn Na Áng B) trồng mận Tam hoa đã 30 năm. Trải qua những mùa mận thăng - trầm nhưng ông chưa từng có suy nghĩ phá bỏ vườn mận. Mỗi vụ mận, gia đình ông có thể thu về 80 - 100 triệu đồng. Theo ông Vân, cây mận không tốn nhiều công chăm sóc, là loại cây ăn quả lâu năm có thể cho nguồn thu nhập bền vững. Nhưng để mận có chất lượng quả ổn định, người trồng phải chú ý đến khâu đốn tỉa, thay thế diện tích mận già cỗi bằng diện tích trồng mới.

Cây mận được trồng ở hầu hết các thôn của xã Na Hối, trong đó nhiều nhất là Na Áng B, Na Hối Tày. Cây mận hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên chất lượng quả được đánh giá cao nhất huyện Bắc Hà. Mận Na Hối là mận vườn, quả to, ăn giòn, ngọt, không có vị đắng kể cả khi quả còn xanh trên cành.

Trước năm 2010, có một thời gian dài do giá quả mận không ổn định nên nhiều hộ trồng mận đã “bỏ quên”, không chú ý chăm sóc khiến một số diện tích có chất lượng quả thấp. Quả mận bé, mềm, đắng, bán không được giá, thị trường không ưa chuộng. Trước nguy cơ chất lượng quả mận ngày càng đi xuống, Trạm Khuyến nông huyện Bắc Hà (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) đã xây dựng dự án cải tạo chất lượng mận Tam hoa, hướng dẫn kiến thức về chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán và hỗ trợ trồng mới mận Tam hoa cho nông dân trong vùng trồng. Vùng trồng mận Na Hối đã tiên phong trong triển khai các biện pháp cải tạo chất lượng quả mận.

Ông Trần Đắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối cho biết: Năm 2012, xã Na Hối bắt đầu cải tạo và trồng mới thay thế diện tích mận Tam hoa kém hiệu quả. Đến nay, xã có 86 ha mận được cải tạo bằng phương pháp đốn tỉa, tạo tán sau thu hoạch. Phần lớn người trồng mận đã ý thức được biện pháp cải tạo vườn mận sau thu hoạch quan trọng như thế nào. Trong giai đoạn này, xã Na Hối khuyến khích người dân tập trung triển khai các kỹ thuật chăm sóc nâng cao chất lượng vùng mận Tam hoa.

Mận Tam hoa Na Hối có thương hiệu trên thị trường bởi chất lượng quả ngọt, ngon nhưng ít ai biết rằng để duy trì chất lượng quả mận, người trồng phải vất vả như thế nào. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng mận Na Hối lại bắt tay vào công việc loại bỏ những cành mận sâu, cành chết, cành ít được quang hợp để vụ mận sau có năng suất, chất lượng tốt hơn.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/cai-tao-vuon-man-sau-thu-hoach-z3n2020072508560866.htm