Cải thiện dinh dưỡng học đường của trẻ em
Chế độ ăn cho trẻ lứa tuổi tiểu học với việc bổ sung đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng và vi chất giúp trẻ phát triển thể chất, trí tuệ.
Giai đoạn tích lũy dưỡng chất
PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này (1.000 ngày đầu đời) là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé. Ngược lại, trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày - nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).
Cũng theo PGS Mai, giai đoạn tiểu học (6-11 tuổi) là thời điểm cơ thể đẩy mạnh phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Thiếu hụt thành phần dinh dưỡng nào cũng đều gây ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện tầm vóc cũng như trí lực của trẻ khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
PGS Mai cho biết thói quen ăn uống của học sinh có một số điểm thay đổi như: xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; xu hướng ăn khẩu phần ăn quá lớn và ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu, trong khi đó lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở TP HCM chiếm tới 30%, trong đó ở một số khu vực tỉ lệ này lên tới 40%. Như vậy, trung bình gần 2 trẻ thì có 1 trẻ bị thừa cân béo phì. Nguyên nhân của tình trạng này do học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp.
Theo các chuyên gia y tế, dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và kiểm soát sức khỏe, bệnh tật trong chu kỳ vòng đời. Bữa ăn học đường chiếm một phần quan trọng trong khẩu phần ăn thực tế hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên cho đến nay còn một số hạn chế bao gồm chưa có các danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng, các vi chất thiết yếu cho từng nhóm tuổi, cho từng mùa. Đến thời điểm này các thực phẩm, món ăn được đưa vào bữa ăn học đường chủ yếu mang tính cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học dinh dưỡng.
Trang bị kiến thức dinh dưỡng từ bậc tiểu học
Cuối tuần qua, Chương trình Giáo dục dinh dưỡng học đường đã diễn ra tại tỉnh Hưng Yến với sự tham gia giao lưu tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng của hơn 300 em học sinh cùng các thầy cô giáo và phụ huynh của 5 trường tiểu học. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực ở học sinh còn hạn chế trong khi đó tỉ lệ thừa cân béo phì ngày càng tăng thì những hoạt động giáo dục dinh dưỡng học đường sẽ giúp các em học sinh thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe.
Trò chuyện với các em học sinh, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của rèn luyện sức khỏe song hành với rèn luyện kiến thức. Bằng những thí dụ gần gũi với lứa tuổi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã nhắn nhủ, các em cần có kiến thức dinh dưỡng, biết rèn luyện thể chất bên cạnh rèn luyện tri thức để làm hành trang phát triển toàn diện. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn có các hoạt động và sự chỉ đạo tới các nhà trường về việc cần phát triển toàn diện cho học sinh. Học sinh khi rời ghế nhà trường cần có các phẩm chất năng lực cần thiết và có thể chất khỏe mạnh. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng, trang bị cho các em hiểu biết về dinh dưỡng và thói quen rèn luyện thể chất lành mạnh.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, rau lá, rau củ quả, trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ. Số lượng tiêu thụ cho nhóm trẻ 6 - 11 tuổi là 2 - 3 đơn vị ăn một ngày (một đơn vị ăn rau lá, rau củ quả tương đương với 100 g rau lá, củ quả). Trẻ 6 - 11 tuổi cần ăn trung bình 2 - 3 đơn vị ăn rau lá, rau củ quả/ngày. Trái cây, quả chín mỗi ngày nên ăn từ 1,5 - 2,5 đơn vị (một đơn vị trái cây/quả chín bằng 100 gram). Bữa ăn học đường, tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo, sữa và sản phẩm từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao vì trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể khỏe mạnh.