Cải thiện quan hệ Nga – Pháp

Tổng thống Nga V.Putin vừa thăm chính thức Pháp ngày 19-8. Chuyến thăm diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến được tổ chức tại Pháp từ ngày 24 đến 26-8 tới. Quan hệ giữa Moscow và Paris đang dần nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt ở cấp cao, ngày càng thường xuyên hơn.

Tổng thống Pháp E.Macron đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga V.Putin tại khu nghỉ dưỡng mùa hè ở Bregancon, miền nam nước Pháp, thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Ðây là chuyến thăm chính thức nước Pháp lần đầu của ông V.Putin kể từ khi Tổng thống E.Macron đắc cử. Và, không phải ngẫu nhiên chuyến thăm lại diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao G7 sắp diễn ra tại Pháp.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Pháp nêu rõ: "Tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới là chủ đề thảo luận với ông V.Putin. Pháp đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao G7, trong khi Nga đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng". Tổng thống Macron tuyên bố "Pháp và Nga là hai cường quốc vĩ đại ở châu Âu" và bày tỏ tin tưởng rằng tương lai của Nga gắn bó chặt chẽ với châu Âu. Ông Macron khẳng định: "Chúng tôi tin vào một châu Âu trải dài từ Lisbon đến Vladivostok". Ông tuyên bố "sẵn sàng cùng với Nga nghiên cứu định hình cấu trúc an ninh giữa Nga và châu Âu", đồng thời nhấn mạnh Pháp đang tìm cách "hồi sinh" lòng tin giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Nga.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung vẫn trong tình trạng lạnh giá sau các sự kiện ở miền đông Ukraine năm 2014, chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin lần này cho thấy, quan hệ giữa Nga với Pháp đang tiếp tục đà cải thiện và có dấu hiệu nồng ấm trở lại.

Gần đây, hai bên đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, nhất là ở cấp cao. Năm 2018, Tổng thống Putin đã năm lần trực tiếp gặp người đồng cấp Pháp Macronn, đồng thời thường xuyên điện đàm trao đổi ý kiến. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nga D.Medvedev thăm Pháp, hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà E.Philippe. Nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước được khôi phục, trong đó có Ủy ban hợp tác an ninh và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại.

Lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước có bước tiến tích cực. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,2 tỷ USD, tăng 11% so năm 2017, đầu tư trực tiếp của Pháp vào nền kinh tế Nga đạt hơn 18 tỷ USD. Hơn 600 doanh nghiệp Pháp hoặc liên doanh đang hoạt động tích cực trên thị trường Nga. Dự kiến, năm 2020, các khu vực của Pháp có kế hoạch tổ chức khoảng 270 hoạt động trong khuôn khổ "Các mùa của Nga".

Cuộc hội đàm kín kéo dài gần bốn giờ giữa hai Tổng thống V.Putin và E.Macron tại pháo đài Bregancon cho thấy, hai bên đang ưu tiên đối thoại, đồng thời cũng coi trọng vai trò của nhau trong việc duy trì sự ổn định ở châu Âu. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận kỹ về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, như bảo đảm an ninh tại châu Âu, hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Libya… cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khủng bố và an ninh mạng.

Mặc dù không đưa ra tuyên bố chung sau hội đàm, song hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp đều khẳng định mong muốn, quyết tâm đẩy mạnh hợp tác song phương, đồng thời phối hợp giải quyết các mối đe dọa, thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới.

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin diễn ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao G7 cho thấy, Tổng thống Pháp muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tham vấn về những vấn đề quốc tế lớn với Nga, đồng thời thể hiện vai trò "cầu nối" giữa Nga và phương Tây. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc củng cố mối quan hệ với Nga vào thời điểm này giúp nâng cao uy tín của Tổng thống Pháp E.Macron cả ở trong và ngoài nước.

Mặt khác, việc cải thiện quan hệ Nga-Pháp được đánh giá là một trong những đòn bẩy giúp Moscow khôi phục quan hệ với EU, tạo điều kiện để hai bên phối hợp hành động, trước hết là đối phó những thách thức chung về an ninh ở châu Âu. Việc ổn định quan hệ với EU cũng giúp Nga duy trì sự cân bằng chiến lược và giảm bớt sức ép mà Moscow phải gánh chịu hơn 5 năm qua sau khi quan hệ giữa Nga với phương Tây rơi vào căng thẳng. Có thể thấy, xu thế cải thiện quan hệ giữa Nga và Pháp nói riêng, cũng như giữa Nga với EU và phương Tây nói chung đang được đẩy tới, vì lợi ích của mỗi bên, đồng thời đáp ứng lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

THÀNH TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41281702-cai-thien-quan-he-nga-%E2%80%93-phap.html