Cải thiện tài chính, gia tăng minh bạch

Để kỳ vọng có được vị trí tại các sân chơi tài chính quốc tế của khu vực và thế giới trong tương lai, bản thân các ngân hàng Việt Nam phải hoàn thiện năng lực tài chính, nâng cao tính minh bạch, đáp ứng được thông lệ quốc tế trước khi nghĩ tới việc 'mang chuông đánh xứ người'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vài năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn với thế giới qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Rất nhiều chuyên gia đều nhận định rằng, các hiệp định thương mại tự do được ký kết là cơ hội để cho ngành Ngân hàng Việt Nam cọ xát, khẳng định mình, khi các ngân hàng ngoại có thể gia nhập vào thị trường tài chính Việt Nam và ngược lại, ngân hàng Việt cũng có thêm nhiều thời cơ để mở rộng thị phần tại nước ngoài.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 200 triệu USD. Phân theo lĩnh vực, ngân hàng đứng thứ hai với 37,1 triệu USD và chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư.

Việc ghi danh tại nhiều quốc gia là chiến lược mà không ít các ngân hàng Việt đặt mục tiêu. Cho tới nay, Đông Nam Á, đặc biệt là Lào, Campuchia, Myanmar vẫn là thị trường thu hút nhiều nhất sự hiện diện của các ngân hàng Việt. Riêng tại Lào đã có 6 ngân hàng Việt Nam hiện diện tại quốc gia này, trong đó VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank đã thành lập ngân hàng 100% vốn; BIDV thành lập Ngân hàng Liên doành Lào Việt (LaoVietBank) - sở hữu 65% vốn điều lệ; MB thành lập chi nhánh.

Trong khi hiện BIDV, Agribank, MB, Sacombank, SHB cũng đã là những nhà băng có mặt tại thị trường Campuchia, trong đó SHB thành lập ngân hàng 100% vốn. Phía Vietcombank cũng có kiến nghị từ năm 2017 xin cấp phép thành lập ngân hàng con tại Campuchia và VietinBank cũng đang kiến nghị xin thành lập chi nhánh tại thị trường này. Myanmar hiện có chi nhánh của BIDV, văn phòng đại diện VietinBank, SHB và HDBank.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, những ông lớn của ngân hàng Việt đã rất nỗ lực để có hoạt động đầu tư ở nhiều thị trường khắt khe hơn. BIDV đang sở hữu văn phòng đại diện tại CH Séc, Đài Bắc (Đài Loan) và Nga; VietinBank có chi nhánh tại Frankfurt và Berlin (Đức); MB có văn phòng đại diện tại Nga… Mới đây nhất, Sở Quản lý tài chính Tiểu bang New York (NDYFS) đã ban hành giấy phép hoạt động cho văn phòng đại diện Vietcombank tại New York.

Trước đó, nhà băng này được phê duyệt ở cấp liên bang từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như chấp thuận về mặt nguyên tắc từ NDYFS (đơn vị quản lý trực tiếp ở cấp tiểu bang). Như vậy, Vietcombank đã hoàn tất các thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại New York, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối quý III/2019. Nhà băng này cũng đang có văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con tại nước ngoài là Công ty tài chính ở Hong Kong và Công ty chuyển tiền tại Mỹ.

Việc được cấp phép thành lập văn phòng đại diện tại Mỹ có thể được xem là bước đi tiếp theo trong lộ trình củng cố và khẳng định vị thế của Vietcombank. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank sẽ tiếp tục bám sát tầm nhìn và định hướng đề ra tại phương án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Chia sẻ với CEO một NHTM có hiện diện tại nước ngoài, ông này cho rằng mục tiêu mở rộng thị trường, kết nối thị trường tài chính giữa hai quốc gia sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng cung cấp các gói giải pháp tài chính toàn diện và các dịch vụ ngân hàng hiện đại dành cho mọi đối tượng khách hàng là DN, các tầng lớp dân cư địa phương cũng như giới kiều bào, DN Việt Nam có đầu tư kinh doanh tại nước sở tại. Qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa cộng đồng DN hai nước.

Thực tế, soi vào kết quả kinh doanh của phần lớn hiện diện ngân hàng Việt tại nước ngoài những năm qua, có thể thấy sức cạnh tranh của nhà băng Việt đang từng bước được nâng cao, có những tín hiệu khả quan trong kinh doanh. Đơn cử như BIDV, chi nhánh Yangon (Myanmar) có tổng tài sản hơn 130 triệu USD tính đến cuối tháng 5/2019; dư nợ bình quân 20 triệu USD, lượng khách hàng DN tăng 27% so với năm 2018.

Riêng quý I/2019, SHB thu về 81 tỷ đồng thu nhập và 48 tỷ đồng lãi trước thuế từ thị trường nước ngoài. Năm 2018, VietinBank Lào ghi nhận 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ ROE khoảng 7,29% - tương đương ROE của ngân hàng mẹ tại Việt Nam là gần 8%. Năm 2018, thị trường nước ngoài cũng đóng góp gần 3.500 tỷ đồng dư nợ cho vay của MB, mang về hơn 58 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Công ty tài chính tại Hong Kong của Vietcombank (VFC) năm 2018 thu về gần 20 tỷ đồng lãi trước thuế...

Chuyên gia tài chính cho rằng, theo những con số tương đối khả quan về kết quả kinh doanh của hiện diện ngân hàng Việt tại nước ngoài, có thể thấy nhà băng Việt đang dần thích nghi tốt với môi trường hoạt động tại nước ngoài trước những áp lực đáp ứng yêu cầu pháp lý của nước sở tại, sức cạnh tranh của các ngân hàng tại nước ngoài. Thêm nữa, NHNN cũng đã có sự kết hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định chi tiết các thủ tục, mối quan hệ hợp tác song phương mật thiết với NHTW các nước bạn nhằm tăng cường hỗ trợ đầu tư.

Tuy nhiên, để kỳ vọng có được vị trí tại các sân chơi tài chính quốc tế của khu vực và thế giới trong tương lai, bản thân các ngân hàng Việt Nam phải hoàn thiện năng lực tài chính, nâng cao tính minh bạch, đáp ứng được thông lệ quốc tế trước khi nghĩ tới việc “mang chuông đánh xứ người”.

Minh Khôi

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cai-thien-tai-chinh-gia-tang-minh-bach-89973.html