Cảm nhận sắc màu… bằng tai

Neil Harbisson, nghệ sĩ tự xưng là 'cyborg' (nửa người nửa máy) sống gần Barcelona, màu sắc thực sự là thứ âm nhạc được truyền đến tai thông quá một chiếc ăng-ten mà anh tự thiết kế để khắc phục chứng mù màu.

GD&TĐ - Neil Harbisson, nghệ sĩ tự xưng là “cyborg” (nửa người nửa máy) sống gần Barcelona, màu sắc thực sự là thứ âm nhạc được truyền đến tai thông quá một chiếc ăng-ten mà anh tự thiết kế để khắc phục chứng mù màu.

Với lượng người theo dõi quốc tế đông đảo và nổi tiếng ở Tây Ban Nha, Neil Harbisson đã có cơ hội gặp gỡ những ngôi sao nổi tiếng như Leonardo di Caprio và Tom Cruise. Hiện tại, anh đang thử nghiệm một thiết bị mới được thiết kế để có thể cảm nhận dòng chảy của thời gian về mặt vật lý.

Thuật ngữ cyborg từng là thứ chỉ được sử dụng trong khoa học viễn tưởng với những hình tượng nổi tiếng trong phim ảnh như Kẻ hủy diệt của Arnold Schwarzenegger. Tuy nhiên, công nghệ ngày nay đang mở rộng năng lực của con người thông qua các bộ phận giả và cấy ghép, biến họ thành những cyborg trong thế giới thực.

Sinh ra ở Bắc Ireland với chứng mù màu achromatopsia – một tình trạng khiến mọi màu sắc hiển thị trong thang độ xám qua mắt người bị bệnh, Neil Harbisson chuyển đến Barcelona từ khi còn nhỏ và lớn lên ám ảnh với màu sắc và những thứ mà anh không thể cảm nhận được. Nỗi ám ảnh này lớn đến nỗi nó thúc đẩy anh thay đổi danh tính và cuộc sống của mình thông qua dao kéo của bác sĩ phẫu thuật.

Khi học đại học âm nhạc ở Anh, Neil Harbisson đã phát triển một thanh kim loại mảnh có thể uốn cong được gắn trên đầu và rung theo màu sắc mà nó phát hiện được. Thoạt nhìn, nó trông giống như công nghệ đeo được nhưng thiết bị đã trở thành một bộ phận cơ thể không thể thiếu như mũi hay tai của Neil Harbisson, giúp anh có khả năng “nghe” được màu mà mắt anh ấy không thể nhìn thấy.

Vào năm 2004, Neil Harbisson thuyết phục một bác sĩ phẫu thuật khoan thiết bị vào hộp sọ của mình, biến công nghệ này thành một phần cơ thể khi để xương phát triển xung quanh nó. Bộ cảm biến bắt được tần số của màu sắc và chuyển chúng thành âm thanh mà anh cảm nhận được thông qua sự dẫn truyền của xương.

“Lúc đầu mọi thứ rất hỗn loạn vì ăng-ten không thể cho tôi biết rõ màu gì với màu gì, thứ tôi nghe thấy chỉ là các rung động khác nhau. Nhưng sau một thời gian, não của tôi quen dần và nó dần trở thành một phần trong nhận thức của tôi và trở nên bình thường”, Neil Harbisson cho biết

Mặc dù anh có thể là người đầu tiên “nghe thấy” các tần số màu dưới dạng nốt nhạc, nhưng khả năng dẫn truyền âm thanh qua xương đã giúp Beethoven chơi đàn kể cả ở thời điểm bắt đầu bị điếc. Nhà soạn nhạc người Đức nhận ra rằng ông vẫn có thể nghe được bằng cách đặt một đầu thanh gỗ lên đàn piano trong khi cắn vào đầu còn lại lúc chơi đàn.

Trong ngôi nhà nơi Neil Harbisson lớn lên, những bức tranh canvas đầy màu sắc được treo dọc các bức tường và những “bức họa âm thanh” đầy kì thú về khuôn mặt của những người nổi tiếng như di Caprio và Cruise được treo dọc các cầu thang.

Neil Harbisson hiện đang chuyển sự chú ý của mình sang một dự án mới. Anh đã tạo ra một thiết bị có hình dạng giống như một chiếc vòng cổ bằng kim loại, được thiết kế để cảm nhận sự trôi qua của thời gian và đang bắt đầu một đợt thử nghiệm kéo dài một năm để xem nó hoạt động như thế nào.

“Có một điểm nhiệt phải mất 24 giờ để đi quanh cổ tôi và cho phép tôi cảm nhận được vòng quay của hành tinh. Một khi bộ não đã quen với nó, bạn có thể sử dụng một ứng dụng để thực hiện những thay đổi tinh tế đối với tốc độ của điểm nhiệt, điều này sẽ làm thay đổi nhận thức của bạn về thời gian. Bạn có thể kéo dài thời gian hoặc khiến thời gian trôi qua nhanh hơn trong nhận thức” - Neil Harbisson chia sẻ.

Theo AFP

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cam-nhan-sac-mau-bang-tai-pVPt6vAnR.html