Cắm trại 'glamping', hòa mình cùng thiên nhiên nhưng vẫn tiện nghi

Với glamping, khách du lịch được trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào không khí ngoài trời mà không gian sinh hoạt vẫn đầy đủ tiện nghi. Mô hình này mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây bên cạnh các dịch vụ lưu trú khác như khách sạn, homestay…

Hiểu glamping thế nào cho đúng?

Về tên gọi, glamping là từ ghép của hai từ glamorous (sang trọng) và camping (cắm trại), có thể hiểu đây là cách gọi về một loại hình trải nghiệm kết hợp giữa hai yếu tố gần gũi thiên nhiên và sự tiện nghi cao cấp.

Glamping có lịch sử lâu đời từ các đoàn lữ hành thời xưa ở châu Âu, khi họ mang theo đồ dùng, trang bị cần thiết trên lưng ngựa hay lạc đà trong các chuyến đi dài ngày. Đến thế kỷ 20 tại châu Phi cũng xuất hiện loại hình du lịch safari, trong đó du khách sẽ đi khám phá sâu trong các khu rừng hoặc vùng có thiên nhiên hoang dã và nghỉ qua đêm tại lều trại với những tiện nghi.

Các hình thức trải nghiệm này có thể xem là nguồn gốc trực tiếp của loại hình lưu trú glamping hiện nay. Tuy nhiên nó chỉ mới phổ biến trong hơn 30 năm trở lại đây và có mặt nhiều ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Glamping từ ngoài nhìn vào. Ảnh: Vietnam Glamping

Glamping từ ngoài nhìn vào. Ảnh: Vietnam Glamping

Anh Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc điều hành của công ty Scivi, chuyên lĩnh vực glamping với tên gọi Vietnam Glamping, đã chuyển hướng hoạt động doanh nghiệp từ du lịch sang thi công, thiết kế glamping. Anh Cường cho biết cơ duyên lớn nhất đưa anh và đội ngũ đến với mô hình này là đại dịch Covid-19. Trong gần ba năm qua, Scivi có cơ hội nhìn lại về các loại hình du lịch trong tương lai, trong đó có xu hướng trở về với thiên nhiên để bù đắp lại sự thiếu hụt các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên trong mỗi người.

“Sự hao hụt này cần được vun đắp bằng những trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa, giúp cho con người lấy lại sự cân bằng, tái tạo năng lượng. Chúng tôi nhận ra glamping có thể làm được điều này nên quyết định tập trung cho nó”, anh Cường giải thích.

Không gian đầy đủ tiện nghi bên trong glamping. Ảnh: Vietnam Glamping

Không gian đầy đủ tiện nghi bên trong glamping. Ảnh: Vietnam Glamping

Trên thực tế, rất khó để so sánh trực tiếp glamping với các loại hình lưu trú khác như homestay, lều trại, nhà nghỉ, khách sạn… Tuy nhiên, anh Cường cho rằng có thể dùng chính tên gọi của glamping để phân biệt. Có ba tiêu chí để xác định đó có phải là glamping hay không, cụ thể là yếu tố thiên nhiên, tính tiện nghi và sự trải nghiệm.

Anh lý giải, thiên nhiên tương ứng với phần “camping” trong chữ glamping nên khu lưu trú này phải gắn liền với tự nhiên đầu tiên. Tiếp đến, sự tiện nghi tại đây có thể hiểu chính là khả năng cung cấp những thứ mà trong hoàn cảnh, địa điểm tương tự, loại hình khác khó hay không thể trang bị được để tương xứng với nhu cầu, mong muốn của du khách. Cuối cùng là những trải nghiệm liên quan đến thiên nhiên, điều kiện ngoài trời, quang cảnh xung quanh nơi ở.

Theo anh Cường, do đặc điểm gắn liền với thiên nhiên, glamping có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có yếu tố này như bãi biển, trên các hòn đảo, ven hồ, trong rừng, hoặc vùng nông thôn xa các khu đô thị, khu dân cư lớn.

Mô hình glamping của công ty anh Cường trưng bày tại hội chợ du lịch quốc tế. Ảnh: Vietnam Glamping

Mô hình glamping của công ty anh Cường trưng bày tại hội chợ du lịch quốc tế. Ảnh: Vietnam Glamping

Nhận định về tình hình phát triển của glamping ở Việt Nam, anh Cường phấn khởi cho hay dù thị trường này còn nhỏ, tuy nhiên thông qua sự kiện hội chợ du lịch quốc tế ở TPHCM vừa qua, rất nhiều công ty lữ hành quốc tế đến Việt Nam và tìm kiếm glamping ngày càng nhiều.

“Điều này cũng dễ hiểu vì mô hình này tại Việt Nam đang đi sau thế giới từ 2-5 năm. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhu cầu trải nghiệm glamping trên thế giới tăng lên. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là động lực chính để glamping phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian sắp tới”, anh bày tỏ.

Nhiều mức giá tham khảo

Lý giải thêm về điểm riêng của glamping, anh Cường cho hay đối tượng biết đến loại hình lưu trú này sẽ là những người tìm kiếm trải nghiệm hoàn chỉnh chứ không đơn thuần là một nơi nghỉ qua đêm.

“Nghĩa là khách sẽ trông đợi một nơi ở tiện nghi, có thức ăn ngon và có nhiều hoạt động trải nghiệm đặc sắc ở địa phương. Đương nhiên, vẫn có những nhóm du khách chỉ tập trung cho một nhu cầu, ví dụ như ở lại một nơi thật đẹp trong thời gian dài để làm việc”, anh chia sẻ.

Dự án glamping ở Hola Beach – Bình Thuận do đội ngũ Vietnam Glamping thi công. Ảnh: Vietnam Glamping

Dự án glamping ở Hola Beach – Bình Thuận do đội ngũ Vietnam Glamping thi công. Ảnh: Vietnam Glamping

Để đáp ứng mong muốn đó của khách hàng, anh Cường nhận định giá cả của glamping sẽ cao hơn những dịch vụ lưu trú khác.

Giá dao động một đêm thuê trong khoảng từ 500.000-1.000.000 đồng/người cho các khu glamping dạng cắm trại tiện nghi và 1.000.000-2.000.000 đồng/người cho các khu glamping đúng chuẩn.

Sở hữu hai chi nhánh glamping là TaGu Glamping Phước Bình ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và TaGu Glamping Khánh Sơn ở Khánh Hòa, anh Huỳnh MazSa cho biết anh nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình này trong tương lai.

Nhiều dịch vụ trải nghiệm tại khu glamping TaGu. Ảnh: TaGu Glamping

Nhiều dịch vụ trải nghiệm tại khu glamping TaGu. Ảnh: TaGu Glamping

Anh Huỳnh MazSa cho biết mỗi tháng khu glamping có lượng khách tăng trưởng ở mức 15-19% và trung bình có đến 80% khách hỏi thăm và chọn ở glamping, tức ngủ lều thay vì qua đêm ở nhà sàn. “Đây là tín hiệu đáng mừng cho loại hình lưu trú này vì tôi có cơ hội khai thác được vẻ đẹp thiên nhiên có sẵn, đem đến trải nghiệm ngay trong rừng sâu, thêm vào đó tạo được sinh kế cho những người đồng bào dân tộc Raglai cũng là cộng sự của mình tại khu glamping”, anh nói.

Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ khác nhau gắn liền với hoạt động tự nhiên như trekking, hiking rừng, thác, thưởng ngoạn, uống cà phê trên sông… Mức giá trung bình cho điểm lưu trú này một đêm là 100.000 đồng/người, một lều lý tưởng nhất là ở khoảng 2 người. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản khác nhau với mức giá dao động từ 200.000-350.000 đồng/người tùy thực đơn.

Ở một địa điểm khác tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, anh Phú, chủ Tropical Eglamping cũng đồng tình với quan điểm mô hình glamping hiện nay đang ngày càng phổ biến. Theo anh Phú, qua khảo sát cá nhân, trung bình mỗi tháng có từ 2-3 khu glamping mọc lên đáp ứng nhu cầu của nhiều người muốn trải nghiệm hòa vào thiên nhiên.

Được biết, khu glamping của anh cách trung tâm TPHCM khoảng 100km, với 20 lều, năng suất phục vụ dao động quanh ngưỡng 80 người một lúc. Mức giá tham khảo bên anh chia thành hai khung thời gian trong tuần và cuối tuần. Cụ thể, từ thứ Hai đến thứ Sáu, giá thuê một đêm từ 1.100.000-1.200.000 đồng/người, cuối tuần từ 1.300.000-1.800.000 đồng/người tùy vị trí lựa chọn.

“Dịch vụ của chúng tôi có mức giá này vì chất lượng tiện ích nơi nghỉ ngơi cũng như phần ăn uống được đảm bảo. Đồng thời, yếu tố quan trọng nhất là vị trí địa lý thuận tiện cho những gia đình không cần đi quá xa thành phố mà vẫn tận hưởng được không gian ngoài trời ở vùng đồi thơ mộng”, anh Phú tiết lộ.

Hiện tại glamping thường xuất hiện ở các điểm được biết đến là khu cắm trại lâu nay như hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng. Tại đây glamping có giá dao động 1.000.000-1.500.000 đồng/lều, ở khoảng 2-4 người, chưa bao gồm chi phí ăn uống. Khu Cầu Đất ở TP Đà Lạt có giá lưu trú qua đêm từ 1.200.000-2.500.000 đồng/lều cho khoảng 2-3 người, tùy nơi sẽ đi kèm cùng những dịch vụ khác như ăn sáng, tiệc nướng, phí tham quan…

Từ góc độ chuyên môn, anh Nguyễn Mạnh Cường giải thích lý do có mức giá này vì đặc thù các khu glamping thường tọa lạc tại địa điểm xa xôi, hẻo lánh và thiếu thốn tiện nghi cũng như nguồn lực. Các chi phí đầu vào đều cao hơn khá nhiều so với loại hình lưu trú khác.

Bên cạnh đó, glamping thường không chỉ bao gồm giá tiền phòng ở mà còn trọn gói các dịch vụ khác như bữa ăn, hoạt động giải trí, trải nghiệm vui chơi ban ngày và về đêm, đưa đón khách từ địa điểm thuận tiện giao thông đến khu nghỉ xa khu vực trung tâm.

Trải nghiệm không gian thiên nhiên cùng nơi ở tiện nghi. Ảnh: Vietnam Glamping

Trải nghiệm không gian thiên nhiên cùng nơi ở tiện nghi. Ảnh: Vietnam Glamping

“Thích đi du lịch, cắm trại trải nghiệm mảng xanh, nhưng không phải ai cũng thích nghi tốt trong mọi điều kiện khác nhau. Glamping sẽ là dịch vụ giải quyết được cả hai vấn đề lớn, giúp du khách hòa vào thiên nhiên nhưng vẫn thoải mái với không gian sống trong nhiều ngày liền”, anh Cường nói thêm.

An Phú

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/cam-trai-glamping-hoa-minh-cung-thien-nhien-nhung-van-tien-nghi/