Cấm trẻ em dùng smartphone - những ý kiến trái chiều

Ủy ban Giáo dục Hạ viện Vương quốc Anh vừa công bố báo cáo kêu gọi cấm sử dụng điện thoại thông minh đối với trẻ dưới 16 tuổi trong bối cảnh lo ngại việc trẻ em sử dụng thiết bị trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về kiến nghị này tại cơ quan lập pháp và trong xã hội Anh.

Cấm smartphone và nâng độ tuổi sử dụng mạng xã hội

Trong một Báo cáo trình Hạ viện cuối tuần trước, Ủy ban Giáo dục kêu gọi Chính phủ sắp tới của Vương quốc Anh xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng điện thoại thông minh và đưa ra lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học theo luật định. Các khuyến nghị này được đưa ra nhằm giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về tác động của thời gian sử dụng thiết bị điện tử đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em.

Nguồn: The Standard

Nguồn: The Standard

Nghị sĩ Robin Walker, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục nhấn mạnh, việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức có “tác động tiêu cực rõ ràng” đến sức khỏe của giới trẻ. Báo cáo thống kê từ năm 2020 - 2022 cho thấy, thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em tăng 52%. Gần 25% trẻ em sử dụng smartphone một cách thụ động. Nhiều trẻ đã tiếp xúc nội dung khiêu dâm, bạo lực trực tuyến.

Báo cáo kêu gọi Chính phủ hợp tác với Ofcom, cơ quan quản lý truyền thông của Vương quốc Anh, để thực thi các biện pháp cho phép phụ huynh được cài kiểm soát trên điện thoại và buộc các cửa hàng cài đặt ứng dụng phải hạn chế để ngăn trẻ em truy cập nội dung không phù hợp.

Ủy ban Giáo dục cũng đề xuất nâng độ tuổi được phép tiếp cận kỹ thuật số từ 13 lên 16 tuổi, phù hợp với các ngưỡng độ tuổi hợp pháp khác ở Anh, như lái xe và bỏ phiếu. Theo Ủy ban Giáo dục, Chính phủ phải tiến hành một cuộc tham vấn trước khi kết thúc năm 2024 về việc liệu 13 tuổi có phải là độ tuổi thích hợp để trẻ em mở tài khoản mạng xã hội và cho phép các nền tảng mạng xã hội truy cập dữ liệu cá nhân hay không. "Chính phủ nên khuyến nghị 16 là độ tuổi thích hợp hơn cho thời đại kỹ thuật số", báo cáo nêu.

Báo cáo cũng chỉ ra sự gia tăng về thời gian sử dụng màn hình và điện thoại của trẻ em phù hợp với chứng nghiện hành vi. Gần 1/4 trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh như một hiện tượng nghiện, trong khi dữ liệu của Ofcom cho thấy 25% trẻ em từ 3 - 4 tuổi sở hữu điện thoại thông minh và gần như 100% trẻ em có smartphone trước 12 tuổi. Một nửa số trẻ em dưới 13 tuổi đã sử dụng mạng xã hội. Điều này khiến phụ huynh và nhà trường đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn, trong khi Chính phủ phải làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề này.

Những ý kiến trái chiều

Báo cáo của Ủy ban Giáo dục đã đưa đến một cuộc tranh luận về những cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em trên các nền tảng trực tuyến, với hai luồng ý kiến đề xuất nên áp dụng các biện pháp quản lý hay áp dụng lệnh cấm hoàn toàn.

Ủy ban Giáo dục cho biết, cần có hướng dẫn chặt chẽ hơn về điện thoại di động trong trường học và cách quản lý thời gian sử dụng thiết bị để bảo vệ giới trẻ tốt hơn. Các nghị sĩ thành viên Ủy ban Giáo dục lập luận rằng, thời gian sử dụng thiết bị có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, đồng thời cả nhà trường và phụ huynh đều cần có hướng dẫn rõ ràng từ Chính phủ về vấn đề này. Đầu năm nay, Bộ Giáo dục Vương quốc Anh đã ban hành hướng dẫn không mang tính bắt buộc, các trường học cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, trong giờ giải lao và giờ ăn trưa, đồng thời cho phép kiểm tra cặp sách của học sinh để ngăn chặn việc vi phạm lệnh cấm.

Theo Ủy ban Giáo dục, mặc dù Đạo luật An toàn Trực tuyến đóng vai trò bảo đảm an toàn cho trẻ em khỏi tác hại khi tham gia trực tuyến nhưng cũng phải chờ đến năm 2026 thì đạo luật mới được thực thi đầy đủ. Nếu không có hành động khẩn cấp, ngày càng nhiều trẻ em đối mặt với nguy cơ từ việc tiếp xúc với nội dung khiêu dâm, cho đến các băng nhóm tội phạm sử dụng nền tảng trực tuyến để tuyển dụng trẻ em. Thế giới trực tuyến đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm nghiêm trọng.

“Rõ ràng là trẻ em cần có sự tiếp xúc xã hội trực tiếp để phát triển thay vì trực tuyến. Báo cáo của chúng tôi cho thấy thời gian sử dụng thiết bị thông minh gây ra những tác hại như làm giảm trí nhớ, giảm khả năng xử lý, mức độ chú ý, kỹ năng ngôn ngữ và chức năng điều khiển hành vi”, Báo cáo của Ủy ban Giáo dục nêu rõ.

“Mặc dù có thể có một số lợi ích từ thế giới trực tuyến, cũng như việc chia sẻ thông tin hoặc sở thích với bạn bè cùng trang lứa, nhưng việc truy cập internet bất kỳ lúc nào, không bị giám sát và không hạn chế sẽ khiến trẻ em dễ bị tổn thương, khiến chúng rơi vào một thế giới mà chúng không được trang bị. Việc bảo vệ và bảo vệ trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Báo cáo của Ủy ban Giáo dục nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đề xuất về việc áp dụng lệnh cấm cũng gây ra một số phản ứng. Nhà vận động vì sự an toàn trực tuyến Ian Russell, người có cô con gái Molly đã thiệt mạng sau khi làm theo một nội dung độc hại trên mạng xã hội, lập luận rằng, việc áp đặt lệnh cấm sử dụng điện thoại hoặc truy cập mạng xã hội sẽ “gây hại nhiều hơn là có lợi” bởi điều này có thể gây ra phản ứng trong giới trẻ; đồng thời cho thấy sự thất bại của các công ty công nghệ trong việc bảo vệ đối tượng người dùng là trẻ em.

Ông Russell đã sáng lập và là Chủ tịch của Tổ chức Từ thiện phòng chống tự tử Molly Rose Foundation. “Chính phủ tiếp theo phải nghiên cứu các bằng chứng và đưa ra quy định mạnh mẽ hơn, chứ không áp dụng các chính sách có thể mang lại kết quả xấu đi”, ông nói. Theo ông, “con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ sự an toàn và phúc lợi trực tuyến của trẻ em là đưa Đạo luật An toàn Trực tuyến vào cuộc sống và kêu gọi tất cả các bên cam kết thực hiện điều này trong tuyên ngôn của họ”.

The Guardian cho biết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cân nhắc lệnh cấm bán điện thoại thông minh cho người dưới 16 tuổi, cũng như nâng độ tuổi tối thiểu được phép mở tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, kế hoạch tham vấn vẫn chưa được công bố.

Quốc Đạt (Theo The Standard, AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cam-tre-em-dung-smartphone-nhung-y-kien-trai-chieu-i373025/