Campuchia ghi nhận 40 ca mắc mới COVID-19

Người dân chờ 30 phút sau khi được tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 24/2, Bộ Y tế Campuchia xác nhận số ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp tục tăng, với 40 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 35 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam, 1 người Campuchia và 2 ca được cho là thuộc diện nhập cảnh (đều là người Trung Quốc).

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, hiện tổng số ca bệnh liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2" ở Campuchia đã tăng lên 137 trường hợp (trong đó có 4 người Việt Nam). Tính đến sáng 24/2, Campuchia đã có tổng cộng 633 ca mắc COVID-19, trong đó 476 người bình phục và không có ca tử vong.

Riêng tại thủ đô Phnom Penh, đã có 47 địa điểm bị phong tỏa do liên quan tới “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, trong khi chính quyền tỉnh Preah Sihanouk đã cho đóng cửa 4 khách sạn tại thành phố Sihanoukville cũng do liên quan tới sự cố này. Thông báo từ cơ quan chức năng Campuchia cho biết có 2 du khách Trung Quốc (đều dương tính với virus SARS-CoV-2) có lưu trú và qua lại 4 khách sạn trên.

Đánh giá về tình hình bệnh dịch hiện nay tại Campuchia, Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều bày tỏ quan ngại về các ca lây nhiễm sau sự cố ngày 20/2. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 này khác hẳn vụ lây nhiễm cộng đồng hồi tháng 11/2020 bởi tốc độ nhanh hơn và phạm vi lớn hơn. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân hết sức thận trọng vì không thể biết virus hiện diện ở đâu và có thể bị lây nhiễm ở bất cứ địa điểm nào.

Đại diện WHO tại Campuchia, Tiến sĩ Li Ailan cảnh báo Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn. Bà Li Ailan kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế và xã hội Campuchia. Tiến sĩ Li Ailan cho biết nếu có quá nhiều ca lây nhiễm, hệ thống chăm sóc y tế Campuchia có thể bị quá tải.

Tại Thái Lan, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, lô hàng đầu tiên gồm 200.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất đã tới Thái Lan ngày 24/2 và đã được bàn giao trong một buổi lễ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi với sự tham dự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng các quan chức cao cấp của Thái Lan.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh “hôm nay là một ngày lịch sử”. Nếu không có sự cố ngoài ý muốn, các lô vắcxin tiếp theo sẽ đến Thái Lan theo đúng kế hoạch và nước này sẽ có đủ vắcxin để tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.

Lô hàng này là một phần của đơn đặt hàng 2 triệu liều vắcxin với tổng giá trị 1,2 tỉ baht (khoảng 40 triệu USD) mà Chính phủ Thái Lan đặt mua của Sinovac. Dự kiến, 800.000 liều tiếp theo sẽ đến Thái Lan trong tháng Ba tới và 1 triệu liều còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 4.

Theo kế hoạch, lô hàng gồm 200.000 liều vắcxin Sinovac này sẽ được lưu trữ trong kho để kiểm tra cho tới ngày 26/2 và sẽ được chuyển đến các bệnh viện trong ngày 27/2 để bắt đầu việc tiêm chủng từ ngày 1/3 đối với những đối tượng ưu tiên nằm trong độ tuổi từ 18 đến 59.

Cũng trong chiều 24/2, Thái Lan dự kiến tiếp nhận 117.000 liều vắcxin từ công ty AstraZeneca của Anh - Thụy Điển. Dự kiến, những liều vắcxin còn lại dành cho người Thái Lan vào năm 2021 sẽ là vắcxin AstraZeneca do công ty Siam Bioscience sản xuất tại Thái Lan, theo đó từ tháng Sáu đến tháng Tám sẽ có 26 triệu liều và từ tháng Chín đến tháng 12 có 35 triệu liều.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên ở nước này sẽ được tiêm cho Thủ tướng và đó sẽ là vắcxin AstraZeneca.

Truyền thông sở tại dẫn một nguồn tin từ Chính phủ cho biết dự kiến Thủ tướng Prayut được tiêm vắcxin tại Viện các bệnh truyền nhiễm Bamrasnaradura vào ngày 27/2. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Anutin cùng ngày cũng sẽ là người đầu tiên ở Thái Lan tiêm chủng vắcxin Sinovac.

Trước đó, ngày 23/2, Thủ tướng Prayut đã bày tỏ hy vọng rằng các lô vắcxin đến quốc gia Đông Nam Á này trong ngày 24/2 báo hiệu một sự khởi sắc cho tương lai của đất nước. Phát biểu sau cuộc họp nội các, ông Prayut nhấn mạnh: "Vắcxin sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch và các hoạt động kinh doanh. Những người tiêm vắcxin và có giấy chứng nhận cũng có thể được phép nhập cảnh mà không cần cách ly, mặc dù họ sẽ phải được theo dõi để đề phòng có bất kỳ vấn đề nào”.

Cùng ngày 23/2, Israel cho biết sẽ chuyển số vắcxin dư cho Palestine và một số nước khác sử dụng, trong đó có hai nước vừa công bố kế hoạch dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem là Honduras và Cộng hòa Czech.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Israel đã nhận được đề nghị của nhiều quốc gia muốn nước này hỗ trợ cung cấp vắcxin ngừa COVID-19. Tuyên bố cho biết trong tháng vừa qua, Israel dư một số lượng "có giới hạn" vắcxin chưa sử dụng và nước này quyết định sẽ viện trợ cho Chính quyền Palestine và một số quốc gia có nhu cầu.

Hiện chưa rõ số quốc gia được nhận viện trợ vắcxin từ Israel cũng như số lượng vắcxin cụ thể. Tuy nhiên, Cộng hòa Czech mới đây cho biết đã nhận được 5.000 liều vắcxin Moderna từ Israel.

Chính quyền Palestine dự kiến tiêm chủng cho 20% số dân Palestine thông qua cơ chế phân phối vắcxin toàn cầu COVAX, đồng thời hy vọng sẽ mua được thêm vắcxin để đạt mục tiêu chủng ngừa cho 60% số dân.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được mục tiêu này, Palestine ước tính cần 55 triệu USD, nhưng hiện ước tính còn thiếu 30 triệu USD. Trong tháng này, Palestine bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 và đã nhận được một số lượng vắcxin do Israel, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tài trợ.

Tuy nhiên, khoảng 32.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 mà Palestine nhận được đến nay quá ít số với số lượng cần thiết để chủng ngừa cho 5,2 triệu người ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Nội các Israel ngày 23/2 đã thông qua lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong dịp lễ Purim sắp tới. Lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sẽ được áp dụng từ ngày 25 đến 28/2 và kéo dài từ 8 giờ 30 tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Trong thời gian giới nghiêm, hoạt động giao thông liên thành phố sẽ bị tạm ngừng nhằm hạn chế người dân tham gia các hoạt động truyền thống trong những ngày lễ Purim - dịp lễ hội quan trọng của người Do Thái được tổ chức ở Israel với các bữa tiệc hóa trang và những cuộc diễu hành quy mô lớn.

Những cuộc tụ họp của người dân cũng bị giới hạn ở mức tối đa 10 người trong không gian khép kín và 20 người ở không gian mở.

Cũng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Ireland, ông Micheal Martin, ngày 23/2 tuyên bố gia hạn thêm một tháng đối với lệnh phong tỏa toàn quốc đang được áp dụng tại nước này, do lo ngại về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.

Theo quyết định mới ban hành, các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch COVID-19, vốn được áp dụng từ cuối tháng 12/2020, sẽ được kéo dài đến ngày 5/4. Những cơ sở sản xuất-kinh doanh không thiết yếu, nhà hàng, quán rượu và phòng tập thể dục sẽ bị đóng cửa. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà và bị giới hạn phạm vi di chuyển trong vòng 5km kể từ nơi ở.

Tuy nhiên, Thủ tướng Martin cũng cho biết các trường học ở Ireland sẽ bắt đầu được mở cửa trở lại theo từng giai đoạn từ ngày 1/3 tới. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Martin nêu rõ: "Chúng ta cần tận dụng tháng Ba tới để kéo số ca mắc bệnh xuống mức thấp nhất có thể. Chúng ta chỉ cần tập trung hành động và cùng nhau vượt qua những tháng tiếp theo một cách an toàn”.

Theo Thủ tướng Ireland, biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh đã xuất hiện ở Ireland vào ngày 25/12/2020 và là nguyên nhân "gây ra tới 90%" số các ca mắc mới ở nước này.

Hiện, các cơ quan y tế Ireland đã triển khai tiêm chủng hơn 350.000 liều vắcxin. Thủ tướng Martin cam kết trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, nước này sẽ triển khai tiêm phòng hơn một triệu liều vắcxin mỗi tháng, hướng tới mục tiêu hơn 80% số người trưởng thành ở nước này được tiêm ít nhất một liều vắcxin vào đầu tháng 7 tới.

Ireland từng trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, số bệnh nhân đã tăng đột biến sau khi quốc gia 4,9 triệu dân này nới lỏng các hạn chế trong dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới vào cuối tháng 12/2020.

Trong chiều hướng ngược lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 23/2 đã thông báo quyết định nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19, với việc cho phép các trường học và tiệm cắt tóc mở cửa trở lại trong bối cảnh chính phủ tìm cách khai thông sau nhiều tháng phong tỏa, ngay cả khi tỉ lệ lạm phát gia tăng trở lại.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Rutte nói: “Chúng tôi muốn hiện thực hóa thêm một số mục tiêu,” song cảnh báo những biện pháp này “không phải là không đảo ngược được”.

Cũng theo Thủ tướng Rutte, lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ tiếp tục được duy trì tới ngày 15/3 bởi các chuyên gia y tế đã cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm mới do sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền mạnh hơn.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252648/campuchia-ghi-nhan-40-ca-mac-moi-covid-19.html