Căn bệnh có thể gây viêm nhiễm da trẻ trong mùa hè

Tỷ lệ trẻ mắc sẩn ngứa vào mùa hè cao hơn so với những thời điểm khác trong năm. Bệnh có thể gây tổn thương ngứa dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ của bé.

Sẩn ngứa là một trong những bệnh về da thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, thời tiết nóng ẩm cùng với sự phát triển các loại côn trùng như muỗi, bọ chét… khiến tỷ lệ trẻ mắc sẩn ngứa ở mùa hè cao hơn so với những thời điểm khác trong năm. Sự ngứa ngáy xuất hiện làm bé cảm thấy khó chịu, bực bội và dẫn tới tình trạng quấy khóc, lười ăn, lười bú...

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thùy Trang, khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết biểu hiện của bệnh là các nốt sần hoặc sẩn kèm theo cảm giác ngứa. Sẩn ngứa là phản ứng viêm xuất tiết xuất hiện ở lớp trung bì nông kèm sự tham gia của một số tế bào viêm.

Nguyên nhân gây sẩn ngứa ở trẻ em

"Một số trường hợp có nguyên nhân cụ thể, nhưng nhiều bệnh nhân sẩn ngứa không phát hiện được căn nguyên. Một số căn nguyên dẫn đến bệnh sẩn ngứa như côn trùng đốt, kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng. Các loại thức ăn, hóa chất cũng là yếu tố gây nên tình trạng này", bác sĩ Thùy Trang nói.

Sẩn ngứa cũng có thể là biểu hiện của viêm da cơ địa. Trong một số ít trường hợp, sẩn ngứa có thể là biểu hiện của những bệnh lý toàn thân, mạn tính như đái tháo đường, tuyến giáp, viêm gan, tắc mật, suy thận mạn tính...

Theo bác sĩ Thùy Trang, với trẻ em, nguyên nhân thường gặp là do tiếp xúc với côn trùng (muỗi, bọ chó/mèo, dĩn…) hoặc nhiễm ký sinh trùng (trẻ lâu ngày không được tẩy giun). Đa phần những trường hợp sẩn ngứa ở trẻ đều ít khi xảy ra do cơ quan nội tạng, cha mẹ cần chú ý đến tác nhân bên ngoài như đã nêu trên.

 Một số căn nguyên dẫn đến bệnh sẩn ngứa như do côn trùng đốt, kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng. Ảnh: Premierurgentcarecalifornia.

Một số căn nguyên dẫn đến bệnh sẩn ngứa như do côn trùng đốt, kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng. Ảnh: Premierurgentcarecalifornia.

Trẻ bị sẩn ngứa trên da thường xuất hiện những nốt sẩn đỏ, sẩn phù bên trên có mụn nước nhỏ, rất ngứa, thường tập trung ở những vùng hở như cẳng tay, cẳng chân, quanh thắt lưng. Các sẩn cục là những tổn thương sẩn chắc màu nâu đỏ hoặc màu xám kích thước 1-2 cm. Các vết xước do cào gãi, mụn nước có thể trợt vỡ gây tiết dịch, đóng vảy tiết.

Phân loại sẩn ngứa thành 3 thể theo tiến triển: Cấp tính, bán cấp và mạn tính.

Thể cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa xuân hè. Tổn thương chủ yếu là sẩn phù, trên tổn thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch nếu không xử trí đúng có thể gây viêm nhiễm.

Thể bán cấp, tiến triển của bệnh dai dẳng và có thể mạn tính. Nguyên nhân của thể bán cấp đôi khi khó phát hiện. Thể bệnh này có thể liên quan một số bệnh lý toàn thân như đã đề cập ở trên. Các tổn thương là sẩn nổi cao, trên có mụn nước hoặc vết trợt, vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều.

Thể mạn tính biểu hiện đa dạng hay tái phát và tiến triển dai dẳng. Bệnh nhân ngứa nhiều khiến phải chà xát, cào gãi hình thành vết trợt, dày da thâm nhiễm. Sẩn cục, tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm.

Các thể bệnh cấp tính, mạn tính có thể gặp ở trẻ nhỏ với tổn thương ngứa dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ của bé.

Bác sĩ Thùy Trang cho hay các chuyên gia da liễu chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, vị trí thường gặp, triệu chứng ngứa để chẩn đoán bệnh. Trong một số trường hợp cần thiết phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, bệnh lý kèm theo hoặc tình trạng bội nhiễm thứ phát nếu có.

Điều không nên làm khi bị sẩn ngứa

Vị chuyên gia khuyến cáo khi trẻ bị sẩn ngứa, người lớn không nên để trẻ cào gãi. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Ngoài ra, gia đình tuyệt đối không dùng lá khế hay lá trầu không để đắp, tắm cho trẻ.

 Gia đình tuyệt đối không dùng lá khế hay lá trầu không để đắp, tắm cho trẻ. Ảnh: Insider.

Gia đình tuyệt đối không dùng lá khế hay lá trầu không để đắp, tắm cho trẻ. Ảnh: Insider.

Nguyên nhân đa dạng nên điều trị triệu chứng cần được kết hợp với tìm và điều trị nguyên nhân để hạn chế tái phát bệnh. Việc điều trị tùy từng giai đoạn sẽ có phương án thích hợp. Điều quan trọng là giúp trẻ hạn chế gãi, chà xát.

Đối với các sẩn ngứa, phụ huynh có thể sử dụng thuốc corticosteroid bôi. Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương, các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Ngoài ra, phụ huynh có thể bôi thêm dưỡng ẩm, sử dụng thuốc kháng histamin uống để trẻ giảm ngứa gãi. Trong những trường hợp bội nhiễm, các bác sĩ có thể cân nhắc kê thêm kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân.

Để phòng bệnh và hạn chế tái phát, bạn cần tránh các yếu tố kích thích như côn trùng đốt, giun sán, một số nguyên nhân như thuốc, thức ăn, hóa chất.

Bên cạnh đó, gia đình nên vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống. Sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa côn trùng đốt trên da. Trẻ có thể mặc quần áo dài, thoáng mát để hạn chế côn trùng đốt. Vệ sinh thường xuyên nhà cửa, chăn màn, vật nuôi... Trẻ nên được tẩy giun định kỳ, hạn chế ra nắng, mặc quần áo bảo vệ đối với sẩn ngứa do ánh sáng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-co-the-gay-viem-nhiem-da-tre-trong-mua-he-post1338180.html