Căn bệnh khiến mẹ bầu dễ sinh non và lây bệnh sang con
Nghiên cứu từ các nhà khoa học đã cho thấy bệnh viêm lợi khi mang thai có liên quan đến chứng sinh non, sinh trẻ nhẹ cân. Thêm vào đó, chứng viêm lợi là một trong những triêu chứng nha phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai. Lợi bị đỏ, sưng và dễ chảy máu do nồng độ hormone tăng nhanh sẽ dễ phát triển thành viêm nha chu nếu không được chữa trị kịp thời.
Sinh non gấp 2-3 lần
Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh: Bà bầu bị sâu răng, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non gấp 2-3 lần, dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2,5kg).
Theo đó, khi người mẹ bị viêm lợi, viêm nha chu, trong miệng sẽ xuất hiện một số vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này di chuyển từ khoang miệng vào nhau thai, làm tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối, gây chuyển dạ sớm, sinh non. Ngoài ra, khi mẹ bị viêm lợi cũng sẽ khiến lượng canxi thai nhi hấp thụ từ mẹ giảm sút, đây là nguyên nhân khiến trẻ nhẹ cân.
Nguyên nhân khiến các bà mẹ mang thai bị sâu răng, viêm nha chu là do việc thay đổi thói quen sinh hoạt và thể chất khi mang thai khiến thai phụ dễ sâu răng, viêm nha chu hơn bình thường.
Bà bầu thường ăn nhiều bữa trong ngày nên miệng luôn tồn tại axit dễ gây sâu răng. Đặc biệt trong thời gian ốm nghén mệt mỏi, thai phụ rất khó chải sạch những răng hàm bên trong. Do hormon nữ tăng cao trong thai kỳ, tính chất nước bọt của bà bầu cũng bị biến đổi, khiến miệng luôn cảm thấy dính, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến dễ viêm lợi, dễ bị sâu răng.
Mẹ sâu răng dễ lây bệnh sang con
Mầm răng của bé được hình thành vào khoảng tuần 6 - 7 của thai kỳ. Từ tuần thứ 16 thai kỳ, men răng và ngà răng phát triển để bao bọc mầm răng. Sau đó, thân răng (còn gọi là xương ổ răng) được hình thành để bao bọc phần chân răng và tủy răng là hệ thần kinh nằm phía bên trong. Từ 6-7 tháng sau sinh, răng sữa của bé sẽ phát triển hoàn chỉnh, nhú ra khỏi lợi.
Vi khuẩn gây sâu răng không có trong miệng bé ngay khi được sinh ra mà thực chất bị lây từ miệng mẹ hoặc những người xung quanh thông qua việc hôn bé, bón thức ăn cho bé (từ thìa, ống hút, miệng). Vi khuẩn gây sâu răng nhanh chóng sinh sôi ngay khi răng nhú. Trong đó, thời gian từ 6 tháng - 3 tuổi là thời kỳ bé dễ nhiễm vi khuẩn sâu răng nhất.
Những em bé mà mẹ có nhiều răng sâu cũng có nguy cơ sâu răng từ sớm rất cao. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng miệng không chỉ tốt cho mẹ mà còn quyết định sức khỏe răng miệng của bé sau này. Cách lý tưởng nhất là bắt đầu phòng ngừa răng sâu cho bé ngay từ khâu chăm sóc răng miệng của người mẹ trong thời kỳ mang thai.
Điều trị cho bà bầu vào lúc nào là tốt nhất?
Thời gian phù hợp nhất để thực hiện điều trị răng cho bà bầu là vào khoảng quý thứ hai của thai kỳ.
Chăm sóc răng miệng khi mang thai là đặc biệt quan trọng. Vì răng miệng tốt không những cải thiện tổng thể sức khỏe của mẹ mà còn góp phần cải thiện sức khỏe răng miệng của bé.
Theo bác sĩ Andrew H.F. Tsang, Giám đốc Nha khoa Quốc tế Westcoast, thời gian phù hợp nhất để thực hiện điều trị nha là vào khoảng quý thứ hai của thai kỳ vì nếu điều trị ở quý thứ ba, bạn sẽ rất khó nằm ngửa. "Chúng tôi cũng khuyến cáo bạn không nên tẩy trắng răng cho đến sau khi sinh nhằm tránh rủi ro" – BS Andrew nói.
Trong quy trình điều trị của nha khoa, đòi hỏi bà bầu phải chụp X-quang. BS Andrew khuyến cáo các bà bầu nên đến các trung tâm, phòng khám, các cơ sơ y tế tốt và an toàn để có máy móc tốt, hạn chế tia X-quang ảnh hưởng tới thai phụ. Trong trường hợp điều trị cần dùng thuốc gây mê, các chuyên gia sẽ điều chỉnh lượng thuốc tiêm ở mức thấp nhất nhưng vẫn đủ giúp bạn cảm thấy thoải mái.
Một số điều nên nhớ để tránh sâu răng khi mang thai
Chứng thèm ăn: Thường xuyên ăn vặt sẽ gia tăng nguy cơ sâu răng. Nếu thèm ăn, bạn hãy chọn những loại thực phẩm có lợi cho bản thân và bé như có lượng đường thấp và giàu vitamin A, C và D, protein, canxi và photpho. Đừng quên đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày để ngăn ngừa vi khuẩn tấn công.
Ốm nghén: Chứng trào ngược dạ dày (nôn ra thức ăn hoặc nước) hoặc ốm nghén sẽ tạo một màng axit dạ dày quanh răng, làm mòn men và gia tăng nguy cơ sâu răng. Nếu bạn bị ốm nghén và thường xuyên nôn mửa, đừng chải răng ngay lập tức mà hãy súc miệng thật sạch với nước để ngăn axit tấn công răng. Chờ ít nhất một tiếng rồi đánh răng trở lại.