Căn bệnh khiến Ưng Hoàng Phúc ngừng hát nguy hiểm ra sao?
Trong tự truyện 'Chạm' vừa phát hành, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã kể anh từng phải ngừng hát, bán nhà để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Thông tin này đang vấp phải hoài nghi trên mạng xã hội, cho rằng anh 'bi kịch hóa bệnh tật' để gây chú ý dư luận. Để bạn đọc hiểu đúng về căn bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến các bác sĩ.
Mười lăm năm đau đớn
Ưng Hoàng Phúc cho biết bị thoát vị đĩa đệm từ năm 2001 đến 2016. Trong 15 năm đó, cơ thể anh liên tục đau nhức. “Tôi trải qua bốn ca mổ, hai lần mổ mở, hai lần mổ nội soi. Ba ca mổ ở Việt Nam, mỗi ca tốn vài trăm triệu đồng. Còn lần sang Singapore tốn hơn 20.000 USD. Suốt thời gian đó, sự nghiệp của tôi bị gián đoạn. Không có thu nhập, tôi phải bán nhà để chữa bệnh”, Phúc kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn không thuyên giảm, lưng của Phúc rất đau nhức, phải nằm liệt giường nhiều ngày.
Cứ ngỡ những chấn thương khi tập luyện vũ đạo vốn dĩ bình thường với ca sĩ nhưng Ưng Hoàng Phúc không ngờ các cơn đau quay lại với cường độ mạnh mẽ hơn, buộc anh phải đến bác sĩ khám bệnh. “Do tôi tập aerobic, nhào lộn... sai tư thế dẫn đến xương ép đĩa đệm xuống, gây tắc nghẽn máu. Thời điểm tôi bệnh, phương pháp chữa trị chỉ cải thiện được phần ngọn nên bệnh không dứt hẳn, tái phát nhiều lần. Các bác sĩ cắt phần lồi đĩa đệm rồi can thiệp vào dây thần kinh nhưng phần xương vẫn lệch. Khoảng vài năm sau, nó ép xuống gây đau nhức”, Phúc nhớ lại.
Năm 2016, trước ngày dự định lên bàn mổ lần thứ năm thì may mắn anh gặp một bác sĩ nhận điều trị miễn phí với phương pháp không mổ, bởi mổ tiếp rất nguy hiểm đến tính mạng và do mổ nhiều lần nên Phúc cũng đã bị biến chứng teo cơ.
Điều trị được một tuần thì Ưng Hoàng Phúc cảm thấy bớt đau nhức. Sau đó anh trải qua các liệu trình chỉnh xương bằng ghế nằm 135 độ, ghế ngồi 90 độ và bộ gối khác... Mỗi liệu trình kéo dài ba giờ. Kiên trì tập luyện mỗi ngày, kết quả anh đã khỏi hẳn bệnh sau một năm và trở lại đi hát cho đến nay.
Có thể bị tê liệt và tàn phế
PGS-TS-BS. Huỳnh Lê Phương (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), cho biết đĩa đệm là một miếng đệm mềm nằm giữa hai đốt xương sống, giúp giảm chấn lực và giúp cột sống chuyển động dễ dàng.
Đĩa đệm gồm có bao xơ bên ngoài và nhân nhầy ở dạng keo bên trong. Khi cấu trúc bao xơ bị yếu do đứt một số vòng sợi thì áp lực nhân nhầy sẽ đẩy chỗ đó phình ra, gọi là thoát vị đĩa đệm. Đĩa đệm thoát vị chèn ép lên tủy sống, các rễ thần kinh, gây các triệu chứng đau, tê, teo cơ, liệt cơ...
Theo BS-CK1. Trần Xuân Anh (Trưởng khoa Thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến thoát vị đĩa đệm như: trọng lượng cơ thể (cân nặng cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống sẽ càng cao, đặc biệt ở thắt lưng); tác động bởi nghề nghiệp (người lao động thường xuyên khuân vác nặng, sai tư thế như đang đứng cúi xuống nhấc vật nặng, thay vì ngồi xuống bê vật nặng, từ từ đứng lên); chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông...
Thoát vị đĩa đệm do thoái hóa cột sống khi lớn tuổi cũng là nguyên nhân thường gặp. Yếu tố di truyền hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh vùng cột sống (thoái hóa cột sống, gù vẹo...) cũng có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Tùy vị trí thoát vị ở cột sống cổ hoặc thắt lưng mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau, trong đó đau và tê bì tay chân là hai triệu chứng điển hình nhất. Với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thường gặp những cơn đau xuất hiện vùng cổ và vai gáy, chạy dọc xuống một hoặc cả hai cánh tay, ngón tay và bàn tay.
Còn ở cột sống lưng, người bệnh sẽ đau dữ dội vùng thắt lưng, cơn đau lan dần xuống hông và đùi, lan xuống cẳng chân, bàn chân và các ngón chân. Kèm theo đó sẽ gặp tình trạng tê bì tay chân, lúc đầu chỉ có cảm giác như châm chích, kiến bò nhưng lâu dần các triệu chứng trở nặng khiến người bệnh khó đi lại và cầm nắm.
“Khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, lâu ngày gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế. Trường hợp khối thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh cánh tay, người bệnh không thể nhấc nổi cánh tay, khó gập duỗi, có thể tê bì hoặc mất cảm giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Khi đĩa đệm chèn ép tủy cổ có thể gây tê liệt và tàn phế. Hoặc khi các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép sẽ dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại…”, BS. Anh cho biết.
Điều trị và phòng tránh
Theo BS. Phương, trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và các cơn đau thắt lưng do nguyên nhân khác có thể cải thiện không phải phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa đúng cách. Người bệnh cần thăm khám lâm sàng để xác định nguyên nhân và vị trí tổn thương. Có thể sẽ được chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ, CT scan, X-quang cột sống... để đánh giá chính xác bệnh lý.
BS. Anh cho biết có hai phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn và phẫu thuật. Tùy tình trạng cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh đến lao động, sinh hoạt và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu thoát vị đĩa đệm chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tập vật lý trị liệu với sự trợ giúp của các chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh không tự ý tập luyện để tránh tập sai cách, khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn.
Nếu điều trị nội khoa tích cực (bảo tồn) mà bệnh không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Hiện các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gồm mổ hở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain... “Hạn chế của những phương pháp này là vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, hoặc nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong”, BS. Anh chia sẻ.
Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, mọi người cần sửa những thói quen đi đứng sai; tránh ngồi một cách gò ép; tránh khiêng vác các vật nặng không đúng tư thế, quá sức, đột ngột rướn người lên; sớm điều trị các chứng bệnh gây ảnh hưởng xấu đến đĩa đệm như vẹo cột sống, chân ngắn chân dài, thừa cân béo phì, gù vẹo cột sống do chấn thương...; không đứng lâu ở một vị trí mà nên đi lại, đánh tay, nhún người…; tránh nằm sấp, nằm nệm mềm cũng có thể làm cột sống bị biến dạng khiến đĩa đệm dễ tổn thương; duy trì chỉ số cân nặng cơ thể ở mức hợp lý; ăn uống khoa học, bổ sung canxi, vitamin D cùng các chất dinh dưỡng giúp nuôi khớp khỏe mạnh; kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường...
“Tập thể dục thể thao giúp ổn định tốt các đốt sống và đĩa đệm nhưng phải tùy sở thích và thể lực mà chọn tập những môn phù hợp. Tốt nhất nên có huấn luyện viên tư vấn, hướng dẫn tập nhằm tránh tập sai dẫn đến tác dụng ngược và ảnh hưởng xấu cột sống”, BS. Phương lưu ý.
Minh Hoàng - Tấn Khải