'Căn bệnh trầm kha' của nước Mỹ
Vụ xả súng kinh hoàng xảy ra sáng 25/5 (giờ Việt Nam) tại trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde của bang Texas (Mỹ) khiến 21 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh, là vụ tấn công nhằm vào một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ thảm kịch ở Connecticut hồi năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người. Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động, tạo thêm áp lực trong việc 'chữa trị căn bệnh trầm kha' đang ngày càng ăn sâu, bám rễ và gây ra tác động tiêu cực tới đời sống xã hội Mỹ.
Có thể nói bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây từ lâu luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ đi đến đích của một thỏa hiệp lưỡng đảng, khi không có những điều luật đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này. Lần này cũng thế, khi các cuộc bầu cử sơ bộ giữa nhiệm kỳ đang bắt đầu diễn ra tại một số bang, vụ xả súng tại thị trấn Uvalde nhanh chóng kéo theo những phản ứng của các bên liên quan với những quan điểm trái chiều về quản lý súng đạn tại Mỹ.
Ông Joe Manchin, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang West Virginia, cho biết sẽ làm "bất cứ điều gì có thể" để giúp thông qua điều luật mà ông gọi là "ý thức chung" để giải quyết bạo lực súng đạn sau vụ xả súng kinh hoàng ở Texas. Tuy nhiên, việc thông qua đạo luật cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện - đồng nghĩa ít nhất 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cần quay sang ủng hộ cùng đảng Dân chủ về một đạo luật từ lâu luôn gặp bế tắc.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa không tin rằng quốc hội có bất kỳ vai trò nào trong việc giải quyết bạo lực súng đạn. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại bang Alabama, ông Tommy Tuberville gọi bạo lực súng là một“ vấn đề của con người”, rằng các nhà lập pháp nên tập trung làm nhiều hơn nữa để tăng cường các chương trình sức khỏe tâm thần. Hạ nghị sĩ Cộng hòa theo quan điểm cực hữu tại bang Georgia, bà Marjorie Taylor Greene, cũng phản đối các nỗ lực siết chặt kiểm soát súng đạn.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát, kéo theo nhiều tác động tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, trung bình mỗi ngày tại nước này có 124 người tử vong vì súng đạn. Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Đáng chú ý, nước Mỹ đã chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt tăng cao kỷ lục với 691 vụ trong năm 2021, trung bình một vụ có ít nhất 4 nạn nhân. Tổng số nạn nhân do bạo lực súng đạn ở Mỹ năm ngoái lên tới 44.750 người.
Theo trang lưu trữ trực tuyến chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ có tên Gun Violence Archive, kể từ năm 2013, gần như tất cả các chỉ số về bạo lực súng đạn trong năm 2021 đều lập "kỷ lục". Hơn 2/3 thành phố đông dân nhất tại Mỹ đã phải chứng kiến nhiều vụ giết người hơn trong năm ngoái so với năm 2020, đáng kể như thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, có số vụ giết người cao nhất kể từ năm 1960; thành phố Chicago, bang Illinois, cũng ghi nhận năm 2021 là năm bạo lực nhất trong vòng 1/4 thế kỷ; thành phố Los Angeles, bang California, trong tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua. Đáng chú ý, tội phạm hận thù nhằm vào người gốc Á đã tăng 339% trong năm 2021, trong đó Los Angeles và New York là các thành phố ghi nhận nhiều tội ác hận thù nhất so với bất kỳ thành phố nào của Mỹ
Giới chuyên gia chỉ ra rằng bất ổn xã hội, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh, khiến hàng triệu người Mỹ lần đầu đã mua súng. Bà Cassandra Crifasi, Phó Giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, nhận định có sự phân biệt giữa vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề khác, khi càng ngày nhiều người thất vọng, tức giận và căm thù đã sử dụng súng để sát hại một nhóm cụ thể.
Trong khi đó, theo chuyên gia Jacquelyn Campbell, chuyên nghiên cứu về bạo lực gia đình và bạo lực đối với phụ nữ, sự gia tăng đáng báo động số lượng súng bán ra trong vài năm qua, một phần do đại dịch nhưng cũng một phần do nhà sản xuất súng và nhận thức về sự thiếu an toàn trong cộng đồng. Những người có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần hoặc các vấn đề về kiểm soát cơn tức giận, hoặc thất vọng sâu sắc với cuộc sống của họ hoặc thế giới, có thể dẫn tới lựa chọn xả súng để giải quyết hay giải thoát vấn đề. Ngoài ra, nguyên nhân gia tăng các vụ xả súng gần đây còn liên quan đến những yếu tố như việc yêu cầu giấy phép mua súng và luật về quyền được mang theo vũ khí ở một số bang cho phép mọi người có quyền mang súng ngắn cất bên ngoài nhà mà không cần giấy phép hoặc có giấy phép do bang cấp
Đồng thời, một nguyên nhân quan trọng không kém là vấn đề phòng ngừa tại nhà theo luật "Cờ đỏ" (còn được gọi là lệnh bảo vệ rủi ro cao, cho phép một thành viên gia đình hoặc nhân viên thực thi pháp luật phát hiện các dấu hiệu cảnh báo để xin lệnh tòa tạm thời tịch thu súng của một người) đã được ban hành ở 19 bang và thủ đô Washington D.C, chưa tạo ra được sự khác biệt đáng kể. Thảm kịch mới nhất tại Uvalde cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền sở hữu và tiếp cận súng có trách nhiệm, trong đó gia đình thường là những người đầu tiên nhận thấy các vấn đề.
Trên thực tế, luật kiểm soát súng đạn của bang Texas không đủ mạnh để giám sát các lệnh cấm đối với quyền sở hữu súng của những người có tiền án trọng tội hoặc bị kết án bạo lực gia đình, hoặc các lệnh bảo vệ. Năm ngoái, Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott, một đảng viên Cộng hòa, đã ký đạo luật cho phép cư dân ở bang mang súng ngắn mà không cần phải xin giấy phép, điều này cho phép hầu hết mọi người trên 21 tuổi được mang súng ngắn. Người dân tại Texas từ 18 tuổi trở lên có thể mua hợp pháp một khẩu súng trường và đủ 21 tuổi để mua hợp pháp một khẩu súng ngắn từ một đại lý được cấp phép.
Khi tranh cử vào Nhà Trắng, ông Joe Biden cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và giảm hàng chục nghìn ca tử vong vì súng hằng năm tại Mỹ. Khi nhậm chức, ông đã quan tâm thúc đẩy thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát súng đạn. Mới nhất, ông chủ Nhà Trắng ngày 11/4 đã ra sắc lệnh hành pháp bổ sung nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tội phạm súng đạn và làm cho cộng đồng an toàn hơn nhằm hướng tới các mục tiêu và thực hiện cam kết tranh cử. Đây cũng là một phần lý do mà Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (ARP) được chính quyền và đảng Dân chủ thúc đẩy, trong đó cung cấp mức tài trợ lịch sử nhằm tăng cường lực lượng cảnh sát và đầu tư vào các chương trình can thiệp, ngăn chặn bạo lực dựa vào cộng đồng.
Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố một loạt các hành động mới quan trọng nhằm ngăn chặn "luồng súng" được sử dụng để gây bạo lực và hỗ trợ thực thi pháp luật trong nỗ lực chống tội phạm súng đạn, trong đó có việc tập trung tấn công “Đường ống sắt” (Iron Pipeline) - "luồng súng" bất hợp pháp được mua bán ở miền Nam, vận chuyển tới các bang ở bờ Đông và được tìm thấy tại hiện trường tội phạm ở các thành phố từ Baltimore đến New York. DOJ cũng khởi động "Sáng kiến quốc gia ngăn chặn súng ma", truy nã và xét xử những kẻ bán súng bất hợp pháp. Đồng thời, Tổng thống Biden thúc đẩy các biện pháp can thiệp bạo lực cộng đồng dựa trên bằng chứng, trong đó thông qua đạo luật "Xây dựng lại tốt hơn" (Build back better) đề xuất tài trợ 5 tỷ USD cho DOJ và CDC Mỹ để đầu tư vào các biện pháp can thiệp bạo lực cộng đồng. Tuy nhiên, ông Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ đã không giành được đủ phiếu tại quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng cũng như các đề xuất khác liên quan.
Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang đến gần. Bên cạnh những "bài toán" quan trọng quyết định đến kết quả cuộc bầu cử như sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, xử lý chuỗi cung ứng..., thì "căn bệnh trầm kha" mang tên bạo lực súng đạn cũng trở thành thách thức, chi phối chính trường Mỹ. Có lẽ nước Mỹ phải lấp đầy được hố sâu chia rẽ trong vấn đề quản lý súng đạn nếu muốn đảm bảo an toàn cho mọi người dân.