Cần biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân

Sáng 21-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại đầu cầu Chính phủ, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại điểm cầu Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày 16-7, hội nghị tương tự đã diễn ra và đưa ra quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng. Hôm nay, hội nghị kiểm điểm xem tình hình giải ngân đến đâu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thứ nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công thì đến nay đã làm việc đó đến đâu, có khó khăn, vướng mắc gì? Thứ hai, chúng ta đưa nội dung cần thiết vào thúc đẩy vấn đề này như phân bổ vốn thì đã phân bổ hết chưa, vì sao chưa phân bổ hết? Thứ ba, đã giải quyết một số vấn đề tại một số công trình quan trọng đến đâu, như đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc giải ngân đã có tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nêu ra bài học kinh nghiệm, như tại Ninh Bình, địa phương này họp HĐND hằng tháng để giải quyết các vấn đề liên quan đến những công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Hiện nay, theo báo cáo, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá nhanh, trên 45%; trong đó có 9 địa phương và 5 bộ, cơ quan đạt trên 60%, như Thái Bình (70%), Hà Nam (61%), Hội Nhà văn Việt Nam (hơn 93%), Phú Thọ (68%)… Đây là những điển hình. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương và bộ giải ngân rất chậm, đặc biết có 1 địa phương và 16 bộ, cơ quan đạt tỷ lệ giải ngân dưới 15%, như Hội Chữ thập đỏ (0%), Ngân hàng Nhà nước (6,1%), Bộ Ngoại giao (6,6%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (9%)...

“Tại sao có địa phương làm tốt, có địa phương lại chưa làm tốt?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Vì vậy, tại hội nghị hôm nay cần chia sẻ kinh nghiệm giải ngân cũng như những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ. “Hội nghị thẳng thắn, chân tình chứ không xuề xòa, dễ dãi, phải cương quyết có chế tài kèm theo xử lý đến nơi đến chốn về vấn đề này, vì giải ngân liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hà Nội đã giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 50%

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn ngân sách nhà nước mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định, văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).

Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31-7 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang); ước giải ngân đến ngày 31-8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%).

Tình trạng giải ngân chậm gồm cả nguyên nhân tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh, như chậm giải phóng mặt bằng, thủ tục đấu thầu phức tạp, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế...

Phát biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư cho Hà Nội là 40.671,4 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã giải ngân được 49,6%. Với khối lượng chuẩn bị nghiệm thu thanh toán trong những ngày tới, dự kiến, tỷ lệ giải ngân đạt 53%. Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới, Hà Nội đã đề ra 6 giải pháp cụ thể.

Kinh nghiệm từ các đơn vị, địa phương giải ngân cao

Tại hội nghị, các địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh… đều cho biết, bài học kinh nghiệm là sự sâu sát của chính quyền địa phương trong công tác giải ngân.

Thái Bình là tỉnh đã giải ngân được 70% kế hoạch và cam kết hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm nay. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, để có được kết quả này, tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể ngay từ đầu năm, giao nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành, chủ đầu tư. Cán bộ tỉnh thường xuyên kiểm tra thực địa, đôn đốc chủ đầu tư bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh thanh toán ngay các khối lượng đã hoàn thành, tránh tồn đọng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, ngành Giao thông Vận tải được giao 39.762 tỷ đồng vốn đầu tư công, dự kiến đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân đạt 57%. Bộ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh như phạt nặng nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ; phân công mỗi thứ trưởng phụ trách, đôn đốc các dự án cụ thể; họp định kỳ hằng tuần để kiểm điểm tiến độ giải ngân...

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kể từ lần giao ban tháng 7, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết, đặc biệt là về sử dụng đất rừng. Bộ cũng thực hiện giao ban với các chủ đầu tư hai tuần một lần, chủ đầu tư nào không giải ngân theo tiến độ cam kết sẽ không được giao dự án trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân của ngành đạt khoảng 41%.

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, mới đạt 15% kế hoạch năm, đại diện Bộ Y tế cho biết nguyên nhân do có sự điều chỉnh tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cơ sở 2; việc phối hợp giữa một số chủ đầu tư và ban quản lý chuyên ngành của Bộ chưa tốt...

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 32% kế hoạch, chủ yếu do giá đất trên địa bàn có sự biến động, từ đó gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cần biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh việc giải ngân

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, qua làm việc trực tiếp với một số bộ cho thấy, cần có nghị quyết về điều chỉnh vốn trong nội bộ ngành, thậm chí điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, địa phương này sang địa phương khác. Do đặc thù của các dự án sử dụng vốn ODA mất nhiều thời gian và yêu cầu chặt chẽ về mặt thủ tục nên cần có sự phối hợp giữa các bộ và địa phương để có sự chuẩn bị sớm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau cuộc họp tháng 7, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều chuyển biến. Đáng mừng, phần lớn bộ, ngành, địa phương đều xác định giải ngân 95-100% vốn; đặc biệt đã xuất hiện những cách làm mới, quyết tâm mới, như lãnh đạo đi từng công trình, thường xuyên giao ban, đôn đốc và điều chuyển vốn giữa các dự án, thậm chí chuyển chủ đầu tư, hoặc đưa ra chế tài mạnh như chậm tiến độ thì không được xem xét tham gia các dự án trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Đó là: Việc giao vốn theo kế hoạch còn bất cập; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại nhiều nơi thực hiện chậm; quy trình, thủ tục đầu tư, thanh, quyết toán còn phức tạp...

“Tại sao có nơi làm tốt, có nơi làm không tốt, là do lãnh đạo hay do tổ chức thực hiện? Các đồng chí cần trả lời câu hỏi này”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp về đẩy mạnh đầu tư công; giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng bảo đảm chất lượng, khối lượng, tránh tình trạng tham nhũng, tiêu cực; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định phải bị kỷ luật nghiêm.

Thủ tướng yêu cầu những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh, quyết toán, rút ngắn thời gian làm thủ tục giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hằng tháng công khai tình hình giải ngân trên cổng thông tin điện tử, phương tiện truyền thông, nhằm tạo quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Hương Thủy - Hồng Sơn - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/976482/can-bien-phap-cu-the-thuc-day-manh-me-viec-giai-ngan