Cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu có thể được bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách

Trong phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo tóm tắt các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và cho ý kiến về dự án luật này.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung. Trong đó, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chỉ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp, có tính khả thi cao, có thể thực hiện được ngay. Các nội dung khác xin được tiếp tục nghiên cứu để báo cáo vào thời điểm thích hợp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 42. Ảnh: P.Thảo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 42. Ảnh: P.Thảo

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1: Giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; Phương án 2: quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 200 đại biểu). Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số đại biểu Quốc hội mong muốn lần sửa đổi này không làm giảm vị thế, vai trò, hoạt động của các đại biểu. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý nên để con số 40% đại biểu chuyên trách trên tổng số đại biểu Quốc hội để có mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới. Đồng thời, dành một tỷ lệ thực hiện cơ cấu cho các đại biểu Quốc hội đã từng làm lãnh đạo các ban, ngành, địa phương… có sức khỏe, kinh nghiệm, tâm huyết, kiến thức để tham gia Quốc hội.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đưa ra 2 phương án để Quốc hội quyết định, trong đó phương án 1 là ít nhất 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phương án 2 là ít nhất 35% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đồng thời, thống nhất để 2 phương án về tỷ lệ đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội là 500 người giữ như luật hiện hành, giảm số đại biểu Quốc hội ở cơ quan hành pháp, tăng số hoạt động chuyên trách.

Đồng thời, dành tỷ lệ khoảng 5% cho những người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ điều kiện về kinh nghiệm, sức khỏe, trí tuệ, uy tín để ứng cử làm đại biểu Quốc hội, sau khi được bầu sẽ làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, không giữ chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Những người này có thể thuộc các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, luật sư, những nhà hoạt động chính trị-xã hội có uy tín…

Về đoàn đại biểu Quốc hội, các ý kiến trong UBTVQH còn có sự khác nhau. Có ý kiến đề nghị xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, có ý kiến đề nghị đưa đoàn đại biểu Quốc hội trở lại đúng với bản chất của một tổ chức tập hợp đại biểu Quốc hội ở địa phương. Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, đây là vấn đề đã được đưa ra rất nhiều lần mỗi khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Vì còn có ý kiến khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành.

Riêng về Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, UBTVQH tán thành với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, yêu cầu Bộ Nội vụ và Chính phủ sớm tổng kết việc thí điểm nhập 3 văn phòng (Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND) để đưa ra mô hình mới.

Về đề xuất chuyển 2 ban của UBTVQH (gồm Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu Quốc hội) thành 2 cơ quan của Quốc hội, một số ủy viên UBTVQH nhất trí với đề xuất này, một số khác bày tỏ băn khoăn vì đây là nội dung mới và việc thay đổi có thể gây xáo trộn, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các cơ quan khác của Quốc hội, đồng thời cũng chưa phù hợp với tinh thần tinh giản bộ máy, biên chế, không thành lập mới, nâng cấp các cơ quan. Vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của UBTVQH về̀ sắp xếp đơn vị hành chính

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 42 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, UBTVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp. Các nội dung của phiên họp đều được UBTVQH xem xét thận trọng, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, thường trực các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhanh chóng triển khai các kết luận với từng nội dung; khẩn trương tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý 2 dự án luật; thực hiện các bước tiếp theo và triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức tốt cho năm Chủ tịch AIPA 2020.

Đến thời điểm này, UBTVQH đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, quyết định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (chỉ còn TP HCM chưa trình đề án).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của UBTVQH, bảo đảm các đơn vị hành chính đã được sắp xếp kịp thời tổ chức Đại hội Đảng các cấp theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, phải quan tâm bảo đảm ổn định tình hình địa phương và đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bo-lanh-dao-nghi-huu-co-the-duoc-bau-lam-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-179782.html