Cán bộ tiền khởi nghĩa trọn đời theo Đảng

Đồng chí Nguyễn Thị Bi ở thôn Mỹ Xá, xã Việt Cường (Yên Mỹ) là một đảng viên với 74 năm tuổi Đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa kiên cường, bất khuất, xứng đáng với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Đồng chí Nguyễn Thị Bi ôn lại kỷ niệm cùng người thân

Năm nay 92 tuổi, bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đồng chí Nguyễn Thị Bi vẫn khỏe mạnh, tinh thần rất minh mẫn. Trò chuyện với người cán bộ tiền khởi nghĩa, chúng tôi cảm nhận được phần nào quá khứ một thời cả dân tộc vùng lên chống lại thực dân Pháp xâm lược, trong đó có những năm tháng không thể nào quên đối với đồng chí Nguyễn Thị Bi khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cán bộ Việt Minh về xây dựng cơ sở trước sự truy lùng gắt gao của quân địch. Đồng chí Bi bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, tôi đang làm Tổ trưởng Phụ nữ cứu quốc thôn Mỹ Xá, nhận được tin có cán bộ về xây dựng cơ sở, tôi động viên nhiều chị em phụ nữ phối hợp đào hầm trú để nuôi giấu cán bộ, không kể ngày đêm để sớm hoàn thành. Sắp xếp xong chỗ ở, tôi phân công các thành viên trong tổ bảo đảm việc cung cấp lương thực cho cán bộ, ngày đó đói khổ, thức ăn chỉ là nắm gạo rang hoặc làm thành lương khô. Ban ngày tăng gia sản xuất, khi chập choạng tối, tôi được giao nhiệm vụ vận động chị em phụ nữ tham gia tập võ tại chùa Mỹ Xá, được cán bộ Việt Minh trực tiếp hướng dẫn. Bên cạnh đó, tôi và thành viên trong tổ đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động đi theo cách mạng, tham gia rải truyền đơn khắp các thôn xóm trong và ngoài xã…

Sáng sớm ngày 19.8.1945, đông đảo Nhân dân xã Việt Cường tập hợp tại đình Mỹ Xá nghe cán bộ Việt Minh phổ biến kế hoạch giành chính quyền. Đồng chí Bi xúc động kể lại, Nhân dân xếp thành đội ngũ giương cao cờ đỏ sao vàng cùng gậy gộc, giáo mác... tổ chức tuần hành, kết hợp với đoàn biểu tình ở các xã Thanh Long, Tân Lập, Lý Thường Kiệt, Trung Hưng cùng kéo lên huyện. Quần chúng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh, đả đảo phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”… Chiều ngày 19.8, trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Lại Văn Tư buộc phải giao nộp toàn bộ vũ khí, sổ sách, triện đồng cho lực lượng cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền mới thành lập còn non trẻ, phong trào cách mạng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Thị Bi được kết nạp Đảng, được cử làm Bí thư Phụ nữ xã Việt Cường. Với vai trò là người đứng đầu tập thể phụ nữ của xã Việt Cường, đồng chí vận động hội viên phụ nữ cùng Nhân dân tham gia tiết kiệm lương thực để chống nạn đói; vận động người dân trồng giống cây ngắn ngày như khoai, ngô…; vận động người già, trẻ nhỏ cùng nhau tham gia phong trào bình dân học vụ; phát động mô hình mỗi hội viên phụ nữ phải có một khăn mặt, sử dụng nước sạch bảo đảm vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh…

Đồng chí Bi nhớ lại, ngày đó đình Thanh Xá, đền Mỹ Xá, chùa Mỹ Xá đều được sử dụng làm lớp học. Học sinh không phân biệt lứa tuổi, từ cụ già đến các em nhỏ; bảng là cánh cửa, ván ghép; bút là gạch, ngói vỡ, que tre. Khó khăn đủ mọi bề nhưng ai cũng háo hức đi học. Sau hơn một năm triển khai học tập, cơ bản người dân xã Việt Cường đã biết đọc, biết viết.

Từ năm 1951 đến năm 1966, đồng chí Bi tiếp tục làm công tác phụ nữ tại xã Việt Cường. Năm 1968, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch xã Việt Cường, sau đó được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Việt Cường cho đến tháng 9.2002, đồng chí nghỉ hưu. Tuy đã nghỉ hưu song đồng chí luôn là một đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân địa phương cũng như các thành viên trong gia đình tích cực chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất làm giàu cho quê hương.

NGUYỄN NHÂN

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202112/can-bo-tien-khoi-nghia-tron-doi-theo-dang-b262866/