Cần cải thiện dịch vụ công trực tuyến

ĐBP - Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh công khai 1.776 thủ tục hành chính; trong đó, mức độ 3 là 91 thủ tục, mức độ 4 là 586 thủ tục (tăng gần 200 thủ tục so với năm 2020). Tuy nhiên, qua báo cáo thống kê, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin điện tử một cửa của tỉnh, hoặc có thực hiện nhưng số lượng hồ sơ còn ít so với thực tế; tỷ lệ hồ sơ quá hạn, trễ hạn còn cao, số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến còn ít. Tính đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mới đạt 13,35% (tương đương 10.621/79.581 tổng hồ sơ tiếp nhận), chưa đạt mục tiêu kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 đề ra trên 20%. Cụ thể, số lượng cơ quan thực hiện tốt tiếp nhận hồ sơ trực tuyến còn thấp, cấp tỉnh có 13/16 đơn vị, cấp huyện chỉ có 2/10 (gồm huyện Mường Ảng và Tủa Chùa); đặc biệt cấp xã chỉ có 10/129 đơn vị.

Hiện nay, các lĩnh vực y tế, bảo hiểm, kho bạc tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cao. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục, hồ sơ tại bộ phận “Một cửa”, Bảo hiểm xã hội huyện Mường Nhé.

Bên cạnh đó, còn nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhưng số lượng hồ sơ còn ít, nhiều hồ sơ quá hạn chưa xử lý. Ngay tại trung tâm tỉnh (các sở, ngành và UBND TP. Điện Biên Phủ), nơi mà hệ thống mạng đã phủ khắp, máy tính, điện thoại thông minh không còn xa lạ nhưng số người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công mức 3, mức 4 đến nay chưa nhiều. Điển hình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận 508 hồ sơ, nhưng chỉ có 48 hồ sơ phát sinh trực tuyến (chiếm 9%), còn lại hồ sơ trực tiếp; Sở Nội vụ tổng số hồ sơ phát sinh 79 hồ sơ, nhưng chỉ có 3 hồ sơ phát sinh qua cổng dịch vụ công trực tuyến (chiếm 4%); UBND TP. Điện Biên Phủ chỉ có 701/7.157 hồ sơ phát sinh trực tuyến (chiếm 10%); huyện Điện Biên có 359/5.150 hồ sơ phát sinh trực tuyến; Tuần Giáo có 106/2.009 hồ sơ trực tuyến… Đối với cấp xã chỉ có 10/11 xã thuộc huyện Tủa Chùa (trừ UBND xã Mường Báng) đạt quy định về phát sinh hồ sơ trực tuyến; còn lại tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa có hồ sơ phát sinh trực tuyến hoặc có không đạt quy định.

Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, được các đơn vị, địa phương, cơ quan chức năng đánh giá là do công tác tuyên truyền chưa tốt; thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến; người sử dụng còn e ngại vấn đề bảo mật thông tin; nhiều thủ tục hành chính chưa đơn giản, tinh gọn. Quan trọng hơn, vẫn còn nhiều người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin; khả năng sử dụng, cập nhật internet còn thấp; chưa kể, hệ thống mạng đôi khi trục trặc… Dù nhận diện được nguyên nhân, thế nhưng những năm qua vẫn chưa khắc phục được tình trạng này.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống thông tin điện tử “một cửa” của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian tới các đơn vị, địa phương cần triển khai, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử tỉnh (trừ những dịch vụ công trực tuyến đang sử dụng trên các phần mềm quản lý của các bộ, ngành Trung ương). Thường xuyên rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính phù hợp, đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đảm bảo 100% quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được điện tử hóa. Khai thác, sử dụng có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu đạt 30% năm 2021, 50% năm 2022 và 80% năm 2025 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ dịch vụ công ở mức độ 3 và mức độ 4.

Đối với các dịch vụ công trực tuyến có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ngân hàng tạo tại khoản để sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc dịch vụ thu phí, lệ phí qua bưu điện nhằm giảm thiểu thời gian cho Nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; đảm bảo tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, tối thiểu 20% giao dịch thanh toán trực tuyến. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, triển khai thực hiện, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/191634/can-cai-thien-dich-vu-cong-truc-tuyen