Ngày 7/8, bệnh nhi được Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Nhi trực tiếp phẫu thuật dưới sự giám sát và chỉ đạo của Giáo sư Yasuhiro Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama - người chuyển giao kỹ thuật này cho Việt Nam.
Bệnh nhi mắc tim bẩm sinh với tên gọi tứ chứng Fallot, bao gồm 4 đặc điểm là thông liên thất lớn, tắc nghẽn đường ra thất phải, hẹp van xung động, phì đại thất phải và động mạch chủ đè lên. Triệu chứng gồm tím, khó thở khi ăn, tăng trưởng kém, đặc biệt cơn tím xảy ra đột ngột, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.
Trước khi thực hiện ca mổ đặc biệt này các bác sĩ trong kíp mổ kiểm tra rất cẩn thận các chỉ số tim mạch của bệnh nhi.
Tiếp đến là thủ tục gây mê, bác sĩ phụ sát trùng vết mổ cho bệnh nhi.
Bác sĩ phụ tạo trường phẫu tích ở vùng nách, chuẩn bị những bước cuối cùng cho ca mổ quan trọng.
Ê kíp phẫu thuật thực hiện rửa tay bằng cồn và các dung dịch sát khuẩn, mặc áo mổ và đi găng vô khuẩn. Bác sĩ Vương Anh, phụ mổ chính cho Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ: "Đây là ca mổ đặc biệt ca mổ thứ 700 của Bệnh viện thực hiện phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách, chúng tôi sẽ phải làm việc rất cẩn thận nhưng cũng rất tự tin ca mổ sẽ thành công".
Quay trở lại Việt Nam sau 5 năm chuyển giao kỹ thuật, Giáo sư Kotani bất ngờ trước thành quả mà các bác sĩ Việt Nam đạt được với 700 ca phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách, tỷ lệ 100% thành công, không có trẻ biến chứng nặng và tử vong.
Các bác sĩ bắt đầu phẫu thuật tim ít xâm lấn cho bệnh nhi, ngày 7/8.
Trước năm 2018, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, đều chỉ có một đường mổ duy nhất là đường rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn sau mổ. Với phương pháp này ít gây sang chấn cho người bệnh, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ, thời gian hậu phẫu giảm, sẹo nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là với các bé gái...
Để giảm thiểu tối đa tổn thương cho bệnh nhi, các bác sĩ đã có những thay đổi kỹ thuật. Như trước đây, đường mổ ở nách dài khoảng 6 cm thì hiện ê kíp thu gọn đường mổ chỉ còn 4 cm. Các bác sĩ cũng rút ngắn thời gian hồi sức, thở máy, bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn.
Ca phẫu thuật đã trôi qua gần 5 giờ đồng hồ.
Đây là ca mổ đòi hỏi kỹ thuật cao, các thao tác kỹ thuật của bác sĩ phải nhanh, chính xác. Quan trọng nhất phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của 3 ê-kíp trong lúc mổ.
Giáo sư Yasuhiro Kotani liên tục trao đổi với các bác sĩ trong kíp mổ. Giáo sư Kotani nhấn mạnh, việc phải đào tạo thế hệ phẫu thuật viên tiếp theo rất quan trọng để Việt Nam có thể chuyển giao nhiều hơn kỹ thuật này. “Tại Bệnh viện Đại học Okayama chúng tôi khi tiến hành phẫu thuật sẽ sử dụng ống nội soi đại quang đặt dẫn lưu sau phẫu thuật, nhờ đó, các bạn học viên, bác sĩ phụ có thể quan sát được những gì phẫu thuật viên chính quan sát. Tôi nghĩ đây là vấn đề các bạn có thể xem xét khi đào tạo các phẫu thuật viên trong tương lai”.
Ca phẫu thuật đã trải qua 5 giờ đồng hồ, quá trình phẫu thuật luôn khẩn trương và đòi hỏi sự chính xác, nhưng phòng mổ luôn im lặng, chỉ nghe các tiếng máy móc hoạt động.
Ánh mắt tập trung cao độ của 2 bác sĩ phẫu thuật chính, Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường và Bác sĩ Vương Anh.
Cận cảnh những thao tác xử lý chính xác và phối hợp ăn ý của 2 bác sĩ phẫu thuật.
Sau gần 6 giờ đồng hồ phẫu thuật căng thẳng, những công đoạn khó khăn nhất đã vượt qua nhưng Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường và kíp mổ vẫn luôn tập trung cao độ, ánh mắt của ông gần như không chớp, không ngừng nghỉ, luôn theo dõi từng thao tác qua kính lúp phóng đại.
Nhịp tim và các chỉ số của bệnh nhi đã về trạng thái ổn định sau gần 6 giờ phẫu thuật, cả ê-kíp mổ thở phào nhẹ nhõm, ca phẫu thuật tim ít xâm lấn về cơ bản đã hoàn thành.
Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường vẫn không rời mắt khỏi bệnh nhi, ông theo dõi cẩn thận xem có sự cố nào khi các bác sĩ phụ khâu lại vết mổ.
Tất cả thành viên kíp mổ cùng Giáo sư Yasuhiro Kotani không giấu nổi niềm vui sau khi hoàn thành ca mổ thứ 700 trường hợp tim bẩm sinh với kỹ thuật ít xâm lấn.