Cận cảnh nông dân Hà Tĩnh mặc 'áo giáp' cho quả đặc sản giữa mùa mưa lũ

Trước cảnh báo mưa lớn kéo dài, người dân trồng cam ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang gấp rút triển khai các biện pháp bảo vệ.

Nông dân Hà Tĩnh mặc 'áo giáp' cho cam trước mưa lớn kéo dài

Chị Bùi Thị Thắm (ở thôn 2, xã Thọ Điền, Vũ Quang) cho biết, gia đình trồng hơn 200 gốc cam, trước cảnh bão kéo dài mấy ngày qua gia đình chị tất bật triển khai các phương án bảo vệ cam như bọc quả, chằng chống cây...

"Hai ngày nay, mọi người cố gắng dùng cọc để néo buộc, bọc cẩn trọng từng quả cho tất cả các cây cam nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu xẩy ra gió mạnh, mưa lớn", chị Thắm cho hay.

Người dân Vũ Quang chủ động bọc “áo giáp” cho cam trước mưa lớn

Người dân Vũ Quang chủ động bọc “áo giáp” cho cam trước mưa lớn

Theo chị Thắm, khoảng hơn 1 tháng nữa, gia đình sẽ thu hoạch, năm nay nhờ chăm sóc tốt, áp dụng quy trình trồng theo hướng hữu cơ nên năng suất và chất lượng cam được nâng lên.

Việc bọc cam giúp quả không bị rụng, thối, mang lại nặng suất cao.

Việc bọc cam giúp quả không bị rụng, thối, mang lại nặng suất cao.

Anh Mai Tiến Dương (ở xã Thọ Điền) cho biết, gia đình anh có khoảng hơn 2ha cam cho quả. Khi nghe tin có mưa lớn, gia đình huy động các thành viên chủ động chống đỡ cho cây, cố định những cành quả nhiều để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra. Đặc biệt, gia đình anh mua thêm lưới để bảo vệ quả trước mưa to.

Vườn cam gia đình chị Bùi Thị Thắm đến nay cơ bản đã bọc hết quả.

Vườn cam gia đình chị Bùi Thị Thắm đến nay cơ bản đã bọc hết quả.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Vũ Quang, toàn huyện có gần 2.300 ha cam, trong đó gần 1.700 ha cho thu hoạch. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc, chống hạn và tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật trồng của ngành chuyên môn nên cam đậu quả cao, ước tính vụ cam năm nay toàn huyện thu về khoảng trên 20.000 tấn quả.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết, vựa cam của huyện còn khoảng 1 tháng nữa là đến dịp thu hoạch. Trước tỉnh hình mưa lớn, lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá tình hình và có văn bản chỉ đạo chính quyền cơ sở có những giải pháp hướng dẫn bà con phòng, chống đỡ cho cây trồng trong mùa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại.

Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cũng khuyến cáo người dân ngay sau khi bão qua, mưa dứt, cần chủ động thăm nom để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh thường xuất hiện sau mưa bão, nhất là bệnh nấm thối. Chủ động thu gom, xử lý những quả bị rụng theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho cây.

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, trong 24 giờ qua, khu vực tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, riêng khu vực Kỳ Anh mưa rất to, trong đó tại xã Kỳ Sơn ghi nhận 231mm.

Dự báo từ ngày 16/10 đến ngày 18/10, trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố từ 3 - 8m, đỉnh lũ khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2. Lũ trên trên hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La dao động ở mức BĐ1.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng ở các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Nguyễn Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/can-canh-nong-dan-ha-tinh-mac-ao-giap-cho-qua-dac-san-giua-mua-mua-lu-172231014130336092.htm