Cần chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em trong những ngày nắng nóng cao điểm

Ngày 23/6, mới hơn 8h sáng, nhưng nhiệt độ ngoài trời đã lên đến 32 độ C. tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh nhân ngồi chờ chật kín trước các phòng khám của tầng 1 và tầng 2 khu khám bệnh. Dưới sảnh tầng 1, bệnh nhân và người nhà cũng ngồi chật kín chờ làm thủ tục nhập viện, thanh toán viện phí…

Người cao tuổi có các bệnh lý về tim mạch, hô hấp đến khám tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sáng 23/6.

Người cao tuổi có các bệnh lý về tim mạch, hô hấp đến khám tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sáng 23/6.

Theo số liệu thống kê, riêng trong ngày 22/6, đã có 697 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, tăng vọt so với tuần trước. Trong đó có rất nhiều người già và trẻ em. Nguyên nhân được xác định một phần là do nắng nóng quá gay gắt những ngày qua.

Tại phòng khám nhi có khá nhiều bệnh nhân nhi đang chờ khám, trong đó có nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi, cha mẹ còn phải bế trên tay. Bác sỹ Ninh Duy Kiên, Khoa Nhi cho biết: Những ngày nắng nóng như thế này, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhi đến khám và điều trị, tăng khoảng gấp rưỡi so với ngày thường và gấp 3 lần so với đợt cao điểm dịch Covid-19. Liên quan đến việc thời tiết những ngày này quá nắng nóng thì số lượng bệnh nhi đến khám do viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… cũng tăng vọt. Trẻ em thường mải chơi, thậm chí chơi ngoài trời nắng nên dễ mất nước, say nắng. Do đó, phụ huynh cần quan tâm quản lý, nhắc nhở con em không chơi ngoài nắng và lưu ý phải uống bổ sung đủ nước, nhất là sau những hoạt động thể lực. Thời tiết nắng nóng dẫn đến thực phẩm dễ bị ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh, cần lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm tươi sống đảm bảo VSATTP, khuyến cáo trẻ không ăn hàng rong, quà vặt ngoài cổng trường. Nhiệt độ cao, trẻ đi ra ngoài dễ say nắng nên cần trang bị, nhắc nhở trẻ sử dụng ô, mũ. Do nắng nóng, trẻ dễ rủ nhau đi tắm sông, hồ, bể bơi, có thể xảy ra đuối nước; gần đây có hiện tượng trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô dễ dẫn đến sốc nhiệt, tử vong nhất là dưới trời nắng... Đây là những vấn đề mà phụ huynh phải hết sức quan tâm.

Cùng với trẻ nhỏ, người già là là đối tượng có sức đề kháng kém, dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe do thời tiết nắng nóng. Bác sỹ Chu Thị Huyền, Phụ trách Khoa Khám bệnh cho biết: Những ngày nắng nóng, người cao tuổi đến khám bệnh khá đông. Bởi thời tiết nắng nóng sẽ là vô cùng nguy hiểm với người cao tuổi bị các bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp. Nguy cơ bị tai biến khi thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngoài trời và trong phòng điều hòa là rất cao với người cao tuổi. Ngoài ra, do nắng nóng, ở trong phòng điều hòa nhiều dễ dẫn đến khô đường hô hấp, viêm phổi. Đặc biệt là những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc bị hen thì sẽ nguy cơ bị đợt cấp, nếu lên cơn ác tính sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Có một thói quen xấu với người cao tuổi nói chung, người dân nói riêng khi trời nắng nóng đó là sử dụng nước ngọt, nước có gas để giải nhiệt. Điều này sẽ rất có hại cho sức khỏe nói chung, nhất là đối với bệnh nhân tiểu đường.

Dự kiến, đợt nắng nóng cao điểm lần này sẽ tiếp tục kéo dài và trong tháng 7 sẽ có thêm một số đợt nắng gay gắt. Vì vậy, người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ em cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt. Các bác sỹ khuyến cáo người cao tuổi, trẻ em cần hạn chế ra đường vào những thời điểm nắng nóng gay gắt; sử dụng ô, mũ, nón, quần áo chống nắng đầy đủ nếu ra đường. Không được đi từ ngoài trời nắng, nhiệt độ cao vào thẳng phòng điều hòa lạnh và ngược lại vì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột rất nguy hiểm. Cần uống đủ nước, tăng cường hoa quả, rau xanh, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Sử dụng thực phẩm tươi sống, bảo quản thực phẩm đúng cách, không ăn đồ ôi thiu.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/142899/can-cham-soc-suc-khoe-nguoi-gia,-tre-emtr111ng-nhung-ngay-nang-nong-cao-diem.htm