Cần chiến lược y tế hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi sau đỉnh dịch bệnh

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM – kiến nghị các cơ quan Trung ương cần có một chiến lược y tế cụ thể để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, đồng thời gạt bỏ nỗi lo về việc tái diễn các biện pháp giãn cách, mô hình '3 tại chỗ'…

Tăng cường chất lượng y tế, an sinh xã hội để đẩy nhanh phục hồi kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 chính sách phục hồi kinh tế – xã hội

Kiến nghị này được ông Ngân đưa ra tại cuộc tọa đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 13-12.

Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuyên gia này cho biết các doanh nghiệp tại TPHCM đã có sự thích ứng nhanh để phục hồi sản xuất – kinh doanh khi 88 dự án trong khu công nghệ cao đã khôi phục lại 100% hoạt động.

Với các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất, có 1.408/1.412 doanh nghiệp với quy mô trên 280.000 lao động đã hoạt động trở lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Mỹ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh.

“Kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua, năm nay chúng ta kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ đô la Mỹ kim ngạch xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy Thành phố đã bắt nhịp trở lại”, ông Ngân nhận xét.

Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng các cơ quan Trung ương, Bộ Y tế có một chiến lược cụ thể để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất – kinh doanh, đồng thời gạt bỏ nỗi lo về việc tái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, “3 tại chỗ”.

Theo ông Ngân, nếu xác nhận thích ứng an toàn với Cocivd-19 là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay thì các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp để đối tượng này yên tâm sản xuất.

Kiến nghị của chuyên gia này được đưa ra sau khi các doanh nghiệp tại TPHCM đã trải qua nhiều khó khăn do các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ trong nhiều tháng liền.

Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn – cho biết việc đón nhận làn sóng lẫy nhiễm Covid-19 thứ tư với doanh nghiệp là “hết sức bất ngờ, nếu không nói là khủng khiếp”.

“Để được hoạt động trở lại, chúng tôi quyết định áp dụng mô hình ‘3 tại chỗ’. Nhưng việc chuẩn bị chỉ có một tuần”, ông Việt Anh nhớ lại. Thời gian chuẩn bị ngắn đã tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, khiến tỷ lệ lao động ở lại thực hiện “3 tại chỗ” chỉ ở mức 30-40%.

Với 70% lao động còn lại, ông cho biết lúc đó họ chưa có ý định về quê và bắt buộc phải ở lại nhà trọ.

Theo đó, người lao động phải ở trong khu vực nhà trọ thuộc phạm vi môi trường làm việc với mỗi phòng có diện tích 12 mét vuông phục vụ nhu cầu sinh hoạt liên tục của 8 người, trong khi thiết kế thông thường của mỗi phòng chỉ phục vụ luân phiên 5 lao động đi làm ban ngày và ban đêm.

“Điều này tạo áp lực rất lớn với người lao động đang sinh hoạt theo mô hình 3 tại chỗ và lao động ở trọ”, ông Việt Anh nói.

Bên cạnh khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ”, vị này cho biết doanh nghiệp còn gặp khó khăn về lưu thông hàng hóa khi công nhân vẫn sản xuất, nhưng doanh nghiệp không thể nhận vật tư đầu vào và giao sản phẩm đầu ra.

Phản hồi những thông tin trên, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết kế hoạch chống dịch sẽ đưa ra các định hướng tổng thể làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Trong kế hoạch tổng thể, Chính phủ sẽ định phân cấp, phân quyền triệt để cho các tỉnh, thành phố để họ trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện phương châm 4 tại chỗ phù hợp với năng lực, tình hình thực tế tại địa phương.

Mục tiêu của kế hoạch, theo ông Tuyên, là đảm bảo thực hiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

“Nếu có diễn biến bệnh phức tạp thì Bộ Y tế, các bộ ngành Trung ương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đều kịp thời hỗ trợ, không để các tỉnh, thành phố nào, khu vực nào bị bỏ lại phía sau. Các tỉnh, thành phố có thể đề xuất, xin hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ y tế và các bộ, ngành khác cũng như các địa phương khác sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh”, ông Tuyên nói.

Bà Lương Mai Anh – Phó cục trưởng, Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế – khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch trong bối cảnh Nghị quyết 128 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp được hoạt động trong tất cả các cấp độ dịch.

“Trong phương án phòng chống dịch thì doanh nghiệp phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới”, bà Mai Anh nói.

Ngoài ra, cần tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng nội quy, quy định quy trình hoạt động của doanh nghiệp để người lao động tuân thủ.

Bên cạnh đó, cần vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường.

“Khi doanh nghiệp chủ động trong công tác này và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm và tránh việc giấu bệnh và gây lây lan cho doanh nghiệp và cho cộng đồng”, bà Mai Anh phân tích.

Với chính quyền địa phương, bà cho rằng cần xây dựng các tổ tư vấn y chế cho các doanh nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực tế ở doanh nghiệp và có chế tài xử phạt những cơ sở thực hiện không nghiêm quy định phòng dịch.

Còn ông Trần Việt Anh kiến nghị các cơ quan quản lý cần quan tâm xây dựng đội ngũ bác sĩ tâm lý trong bối cảnh nhiều người có dấu hiệu trầm cảm, hoảng loạn do dịch bệnh.

Ngoài ra, ông mong muốn ngành y tế sớm ban hành quy định về thuốc điều trị Covid-19 ngay trong doanh nghiệp.

“Phải có tuyên truyền quy định cụ thể thuốc dùng như thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ thực hiện”, ông Việt Anh nói.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-chien-luoc-y-te-ho-tro-san-xuat-kinh-doanh-phuc-hoi-sau-dinh-dich-benh/