Cần chỉnh hướng tuyến và vị trí một số nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT khẳng định đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước và sẽ xem xét điều chỉnh hướng tuyến, vị trí một số nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết dự án sẽ đi qua 20 tỉnh, mỗi địa phương có ít nhất một ga hành khách. Riêng tỉnh Hà Tĩnh được bố trí hai ga là Hà Tĩnh và Vũng Áng, tỉnh Bình Định hai ga Bồng Sơn và Diêu Trì, tỉnh Bình Thuận có hai ga Phan Rí, Mương Mán.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng cần xem xét hướng tuyến và vị trí ga trên tuyến ở bước tiếp theo để có “hướng thẳng nhất có thể”.

Quy hoạch thêm các nhà ga trên tuyến

Theo Bộ GTVT, đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.541 km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM). So với lần trình trước đây, chiều dài toàn tuyến đã giảm khoảng 4 km.

Việc xác định hướng tuyến dự án theo hướng “ngắn nhất có thể” và đáp ứng năm nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch, phù hợp điều kiện địa hình, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế đi qua khu vực di tích và tránh khu tập trung đông dân cư, bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây.

 Hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam từ Đồng Nai đến ga Thủ Thiêm.

Hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam từ Đồng Nai đến ga Thủ Thiêm.

Tương tự, đối với công trình nhà ga, Bộ GTVT xác định dựa trên bốn nguyên tắc đó là: phù hợp quy hoạch, đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, đảm bảo kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng.

Theo đó, dự án sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, mỗi nhà ga đều quy hoạch không gian phát triển từ 250 - 300 ha, trừ ga Thủ Thiêm quy mô dự kiến khoảng 17 ha.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, địa phương nào hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn có thể tính toán xây dựng thêm ga. Chẳng hạn, Bộ GTVT đưa vào quy hoạch thêm ga Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm… Tuy nhiên, khoảng cách giữa các ga phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khai thác và sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cần điều chỉnh vị trí các nhà ga

Đánh giá đề xuất trên, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (do Hội đồng thẩm định Nhà nước thuê), nhận định số lượng đường cong trên tuyến vẫn còn rất nhiều chiếm trên 35% chiều dài của tuyến là quá lớn. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu khách và an toàn của tàu hàng container.

Thêm vào đó, vị trí nhà ga đi vào khu đông đúc dân cư sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển các đô thị nhà ga TOD để mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhận định số lượng đường cong trên tuyến vẫn còn rất nhiều chiếm trên 35% chiều dài của tuyến là quá lớn. (Ảnh sử dụng công nghệ AI). Ảnh: V.LONG

Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhận định số lượng đường cong trên tuyến vẫn còn rất nhiều chiếm trên 35% chiều dài của tuyến là quá lớn. (Ảnh sử dụng công nghệ AI). Ảnh: V.LONG

Vì vậy, Tư vấn khuyến nghị, đối với ga Nam Định cần dịch chuyển từ phường Hương Lộc (TP Nam Định) về phía Tây, cách vị trí dự kiến hiện nay khoảng 8-12 km. Mục tiêu để hướng tuyến thẳng hơn, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật khai thác hỗn hợp giữa tàu hàng và tàu container.

Đối với đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, Tư vấn cho rằng cần xem xét lại vị trí ga Thanh Hóa ở xã Đông Tân và Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, để đảm bảo đủ quỹ đất phát triển đô thị nhà ga TOD với quy mô tối thiểu 150 ha.

Đối với ga Đồng Hới (Quảng Bình), đơn vị thẩm tra cũng cho rằng Bộ GTVT cần xem xét vị trí nhà ga dự kiến đặt tại xã Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới), vì khu vực này dễ ngập úng và chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ GTVT đang đề xuất xây một nhà ga chính ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Đồng thời, địa phương muốn đưa vào quy hoạch thêm hai nhà ga trong tương lai là Chân Mây, xã Tiến Lộc, huyện Phú Lộc và ga Phong Điền gần khu công nghiệp Phong Điền. Tuy nhiên, Tư vấn cho rằng Bộ GTVT cần xem xét đề xuất số lượng nhà ga của địa phương này.

 Hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đường màu đỏ) đoạn đi qua TP Nam Định được xác định là "cong vòng". Ảnh: V.LONG

Hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đường màu đỏ) đoạn đi qua TP Nam Định được xác định là "cong vòng". Ảnh: V.LONG

Trên địa phận tỉnh Quảng Nam dự kiến có hai nhà ga, trong đó nhà ga hành khách Tam Kỳ được đề xuất xây ở xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ), ga hàng hóa Chu Lai tại khu vực giáp ranh xã Tam Hiệp và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Tuy nhiên, Tư vấn thẩm tra đề nghị Bộ GTVT cần xem xét lại các vị trí nhà ga và khu Depot của UBND tỉnh Quảng Nam.

Tư vấn thẩm tra cũng cho rằng Bộ GTVT cần xem xét đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về việc điều chỉnh ga tiềm năng tại xã Sông Phan thành ga chính thức nhằm phục vụ nhu cầu đi lại khá lớn khu vực phía Nam của tỉnh.

Tại Khánh Hòa, Bộ GTVT dự kiến xây dựng ga hành khách Diên Khánh ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh và ga hàng hóa Vân Phong thuộc xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, Tư vấn thẩm tra đề nghị Bộ xem xét điều chỉnh vị trí nhà ga của tỉnh Khánh Hòa để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất.

Còn đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dự kiến bố trí nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành, xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Nhà ga hàng hóa tại Trảng Bom, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom.

Với phương án trên, Tư vấn thẩm tra nhận thấy Bộ GTVT cần nghiên cứu bổ sung nhà ga ngoài ga sân bay Long Thành để thuận tiện đi lại cho người dân, giảm áp lực cho nhà ga sân bay quốc tế Long Thành.

Đối với ga cuối Thủ Thiêm, Tư vấn thẩm tra đồng quan điểm giữ nguyên như đề xuất của Bộ GTVT, tuy nhiên đề nghị xem di dời khu Depot Long Trường về xã Cẩm Mỹ huyện Long Thành khai thác chung Depot với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Sẽ điều chỉnh ở bước nghiên cứu tiền khả thi

Với những khuyến nghị trên, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo tư vấn thiết kế rà soát đảm bảo các ga hàng hóa kết nối các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển, kết nối hệ thống đường sắt hiện hữu để phục vụ vận tải liên vận quốc tế, thuận lợi công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh. Theo đó, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha.

Với vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, Bộ GTVT thống nhất sẽ chuyển từ khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.

Với các ga hành khách, Bộ GTVT cho rằng khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, rà soát nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng yêu cầu: nhà ga trung tâm, quảng trường nhà ga và các công trình kết nối đa phương thức.

Song song đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga, nhất là các vị trí có lợi kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế.

Trước mắt, Bộ GTVT thống nhất với tỉnh Bình Thuận dịch chuyển ga Mương Mán tới vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4 km về phía Bắc. “Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi Bộ GTVT sẽ phối hợp với tỉnh Bình Thuận để xác định cụ thể…”- Bộ GTVT cho hay.

2/3 thành viên Hội đồng thông qua đề xuất của Bộ GTVT

Vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức bỏ phiếu. Theo đó, 27/37 thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua, đạt 2/3 thành viên hội đồng.

Vị trí các nhà ga dự kiến trên tuyến đường sắt cao tốc.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-chinh-huong-tuyen-va-vi-tri-mot-so-nha-ga-duong-sat-cao-toc-bac-nam-post817232.html