Cần chính sách thiết thực hơn về hiến ghép mô tạng
Trong lĩnh vực hiến ghép mô tạng, Việt Nam đang hướng tới việc hiến ghép 1.000 ca/năm. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta đề ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực hơn nữa.
Tại Tọa đàm với chủ đề: “Hiến ghép mô tạng - chính sách và thực tế” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, số người chờ ghép tạng luôn rất cao, nhiều người không chờ được nguồn tạng hiến đã phải chấm dứt sự sống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người suy tạng khác phải chung sống với bệnh tật một cách nhọc nhằn, chật vật bởi không có nguồn tạng thay thế…
Lý do chính của tình trạng trên là do số lượng người hiến tặng mô tạng còn rất thấp. Nguyên nhân của hạn chế này một phần do quan niệm về cái chết của người dân còn bó hẹp trong sự cổ hủ. Một phần vì thiếu nguồn lực và một phần quan trọng là do chính sách pháp luật còn nhiều bất cập.
Để giải quyết “bài toán” nan giải trên, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải điều chỉnh, khắc phục những nội dung bất cập, kiến nghị sửa đổi những chính sách mới.
Cụ thể, Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần bổ sung nhiều nội dung, trong đó xác định rõ tạng hiến là tài sản quốc gia chứ không thuộc về bất cứ cá nhân nào.
Vấn đề nữa, liên quan đến chẩn đoán chết não, trường hợp chưa chết não sẽ tận tình cứu chữa đến cùng. Trường hợp chết não không thể cứu chữa được nữa sẽ tiến hành thuyết phục hiến ghép tạng để tăng nguồn tạng được hiến ghép. Cùng với đó, nên tổ chức đội lấy tạng di động, với sự góp sức của nhiều chuyên gia. Ê kíp sẽ đến tận nơi để lấy tạng. Một điều nữa hết sức phải lưu ý, đó là mọi trường hợp hiến tạng cần có tên trong danh sách điều phối hiến ghép tạng quốc gia và bảo hiểm y tế cần vào cuộc mạnh mẽ hơn đối với những bệnh nhân hiến ghép tạng.
Trước bất cập rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực bởi luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng, vừa phải có sự đồng ý của gia đình họ, bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho rằng, nên bỏ quy định này, cũng giống như bản di chúc, khi bố mẹ muốn để lại tài sản cho ai thì không thể thay đổi. Hiến tạng cũng vậy, tạng là tài sản riêng của con người nên quyền quyết định thuộc về họ.
Thực tế cho thấy ngành ghép tạng của chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào bảo hiểm y tế và hướng tới tính nhân văn, nhưng về cơ chế thanh toán cho nhân viên y tế thực hiện thì vẫn còn nhiều bất cập, thu không đủ chi. Do đó các chuyên gia đề xuất, về lâu dài, Việt Nam cần có cơ chế tài chính rõ ràng để tạo động lực cho ngành ghép tạng phát triển, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân.
“Ghép tạng yêu cầu kỹ thuật rất cao nhưng quy định về mức thù lao vẫn còn thấp. Trong khi đó dòng ngân sách không đủ mạnh sẽ làm mất đi động lực thực hiện ý nguyện của người trong cuộc, nhưng định mức chi trả lại bị khống chế vì bảo hiểm y tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần thành lập quỹ để trang trải cho ứng dụng khoa học kỹ thuật hiến ghép, sau này có thể chi cho việc thay tim nhân tạo vào cơ thể, vận động người hiến, ghép, chăm sóc người nhận… Quỹ này lấy ngân sách từ Nhà nước, ngoài ra những cá nhân, tổ chức đều có thể đóng góp” - bà Vũ Thị Minh Hạnh nêu ý kiến.