Cần chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có gần 27.000 người khuyết tật, gồm các dạng khuyết tật vận động, nghe và nói, nhìn, thần kinh và trí tuệ. Những năm qua, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật đã được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật trong độ tuổi lao động vẫn chưa được tiếp cận và tạo điều kiện làm việc theo khả năng, ngành nghề được đào tạo, gây lãng phí nguồn nhân công trong xã hội.

 Anh Trần Quang Vinh (người ngồi mặc áo đen) bị khuyết tật nghe và nói được Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà tạo việc làm ổn định với mức lương cao. Ảnh: TT

Anh Trần Quang Vinh (người ngồi mặc áo đen) bị khuyết tật nghe và nói được Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà tạo việc làm ổn định với mức lương cao. Ảnh: TT

Anh Trần Quang Vinh (sinh năm 1991) quê ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong bị khuyết tật nghe và nói từ khi sinh ra. Năm 2007, Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà được thành lập, anh Vinh xin vào làm công nhân và được công ty nhận vào làm, đào tạo nghề may. Hiện tại, anh là công nhân may của chuyền 5, xí nghiệp 1. Với đức tính cần cù, siêng năng, chăm chỉ nên năng suất làm việc của anh Vinh cao hơn một số công nhân khác trong công ty. Trong 5 năm trở lại đây, thu nhập mỗi tháng của anh đều trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, anh Vinh còn là chiến sĩ thi đua của Tổng Công ty Cổ phẩn Dệt may Hòa Thọ; được Tập đoàn Dệt may Việt Nam tặng danh hiệu lao động xuất sắc năm 2018. Đặc biệt, vợ anh là chị Hoàng Thị Ngọc (sinh năm 1989) bị khuyết tật nghe và nói cũng làm việc tại Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà từ năm 2009 với mức thu nhập 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ thu nhập từ nghề may mà vợ chồng anh Vinh trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học đàng hoàng.

Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà được thành lập từ năm 2007. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã tuyển dụng nhiều lao động là người khuyết tật vào làm việc, trung bình mỗi năm nhận 6-8 lao động là người khuyết tật và tạo việc làm phù hợp. Đến nay, công ty có 105 lao động là người khuyết tật, chủ yếu là khuyết tật về nghe và nói, về chân. Phó Giám đốc Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà Phan Ngọc Hùng cho hay, công ty hiện có 2.000 lao động với 30 chuyền may. Người lao động làm việc tại công ty hưởng lương theo sản phẩm với mức thu nhập bình quân 7,1 triệu đồng/người/tháng. “Các lao động là người khuyết tật đang làm việc tại công ty đều chấp hành tốt các nội quy của công ty và phù hợp với nghề may. Vì những lao động này chỉ bị khuyết tật về chân, nghe và nói nên không ảnh hưởng tới công việc may, họ cũng có sự tập trung cao độ khi làm việc. Do đó, năng suất làm việc của họ bằng hoặc cao hơn người bình thường. Người lao động bị khuyết tật tại công ty làm việc 7 giờ mỗi ngày nhưng được hưởng lương 8 giờ với mức lương bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/người. Công ty luôn sẵn sàng đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật nếu họ có nhu cầu và cam kết gắn bó với công ty”, anh Hùng nói.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức trong và ngoài nước cũng thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho người khuyết tật, chủ yếu là các nghề như làm hương, sản xuất chổi đót, xoa bóp bấm huyệt, làm hoa nhựa, hoa giấy…

Tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh có gần 27.000 người khuyết tật. Theo thống kê, giai đoạn 2011- 2019 có 945 người khuyết tật được học nghề với chi phí đào tạo khoảng 3 triệu đồng/người. Giai đoạn 2015- 2019, trung bình mỗi năm có 80-90 người khuyết tật được đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có hơn 80% trong số đó tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định với các nghề như làm hương, làm chổi, xoa bóp hay dệt may, còn các ngành nghề khác rất khó để tìm việc làm dù họ được đào tạo bài bản. Đây là sự lãng phí lớn về nguồn nhân công có tay nghề trong xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Dương Thị Hải Yến cho biết, hằng năm, Bộ LĐ,TB&XH có hướng dẫn các địa phương xác định chỉ tiêu, dành 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách nhà nước để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng hầu hết các địa phương trong kế hoạch hằng năm không đưa chỉ tiêu này vào và không bố trí kinh phí riêng cho tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng còn thiếu và không phù hợp… Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc triển khai công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn cũng xuất phát từ sự tự ti của họ trong việc hòa nhập với cộng đồng. Nhiều gia đình có người khuyết tật là hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn, dân trí thấp nên không khuyến khích con em đi học nghề mà muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng không mặn mà tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc nên việc tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật sau khi đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.

Về những giải pháp để người khuyết tật có điều kiện, cơ hội được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, bà Dương Thị Hải Yến cho rằng, để tạo cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, được học nghề và có việc làm ổn định, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan hữu quan. Các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của người khuyết tật, nhằm giúp họ tự tin hòa nhập và sống có ích thay vì trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hướng đến xây dựng mô hình doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề để tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc hoặc kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mô hình cơ sở đào tạo kết hợp với doanh nghiệp tổ chức việc làm cho người khuyết tật sau khi học xong theo hợp đồng giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.

Bà Dương Thị Hải Yến cho biết thêm: “Thời gian tới sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở dạy nghề và các đơn vị liên quan tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn học nghề, việc làm miễn phí cho người khuyết tật. Khuyến khích, vận động các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc. Kịp thời thẩm định, ra quyết định công nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước theo quy định tại Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, về lâu dài sẽ xây dựng một số mô hình thí điểm dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật để nhân rộng; đồng thời tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật nhằm tạo điều kiện để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm và học nghề phù hợp”.

Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, hơn ai hết họ cần được sự cảm thông, chia sẻ và được trao quyền tự chủ cuộc sống của chính mình. Vì thế tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật là cần thiết để giúp họ hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144561